Nhiều hoạt động tri ân, chăm sóc người có công

Là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước, những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm bằng các việc làm cụ thể, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với các đối tượng chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người có công trên địa bàn phường Đội Cấn, quận Ba Đình. (Ảnh HÀ THU)
Khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người có công trên địa bàn phường Đội Cấn, quận Ba Đình. (Ảnh HÀ THU)

Ngày 27/6, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Đới Thị Đập - người tham gia hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hiện đang sinh sống tại Thôn 1, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Căn nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ 80 triệu đồng của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện, với nỗ lực của gia đình, cùng sự chung sức hỗ trợ, giúp đỡ vật chất, tinh thần của các ban, ngành, đoàn thể, dòng họ và hàng xóm.

Được khởi công từ đầu năm 2023, căn nhà ba tầng diện tích 60m2 đã kịp hoàn thiện và bàn giao đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), thay thế cho căn nhà cấp 4 có diện tích hơn 50 m2 đã xuống cấp. Dịp này, Ban Quân dân y huyện Gia Lâm phối hợp chính quyền các xã Dương Quang, Phú Thị, Đặng Xá, Phù Đổng, Lệ Chi, Yên Viên tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 đối tượng chính sách…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách khó khăn, chăm sóc người có công và thân nhân luôn được huyện đặc biệt chú trọng. Đây là những việc làm thiết thực tri ân các thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc máu xương để mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Ngay từ cuối tháng 5, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà gia đình chính sách. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang phối hợp các bệnh viện quân đội, bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí tại 62 điểm trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến sẽ có hơn 4.000 đối tượng chính sách được khám bệnh, cấp thuốc trị giá hơn 900 triệu đồng.

Tham dự buổi khám, chữa bệnh của Bệnh viện Bắc Thăng Long được tổ chức ngay tại địa phương, ông Trần Ngọc Long, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết: "Tôi từng là bộ đội biên phòng, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nay được Đảng, Nhà nước, quân đội và địa phương quan tâm, được khám, chữa bệnh thường xuyên nên tôi rất phấn khởi. Những sự quan tâm này đã động viên chúng tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng".

Với gần 800.000 người (chiếm gần 10% số lượng người có công cả nước), Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước. Thành phố luôn quan tâm chăm lo toàn diện người có công và thân nhân. Trong 5 năm gần đây, thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, tăng mức tặng quà và mở rộng đối tượng hỗ trợ dành cho người có công và thân nhân.

Sau Nghị quyết từ năm 2018, tại kỳ họp thứ 10, khóa 16 được tổ chức đầu tháng 12/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của thành phố Hà Nội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các Ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9.

Theo Nghị quyết mới, với việc mở rộng hỗ trợ người có công và thân nhân người có công; tăng mức quà tặng các đối tượng chính sách, dự kiến mỗi năm Hà Nội dành khoảng 114 tỷ đồng cho công tác này. Đáng chú ý, người có công và thân nhân liệt sĩ của Hà Nội sẽ được đi điều dưỡng mỗi năm một lần thay vì hai năm một lần theo quy định của Trung ương. Ngoài ra, đối tượng đi điều dưỡng được nhận hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/năm.

Trong dịp 27/7 năm nay, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu sẽ vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tặng 1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa; tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 143 hộ gia đình người có công. Cùng với đó, thành phố sẽ trao hơn 121 nghìn suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí gần 193 tỷ đồng. 48 đơn vị, trong đó có Làng Hữu nghị Việt Nam; 7 trung tâm nuôi dưỡng người có công tại các tỉnh liền kề có đối tượng người có công Hà Nội đang được nuôi dưỡng… cũng nhận được nhiều phần quà ý nghĩa nhân dịp này.

Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã cũng đang trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tích cực huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người có công và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tất cả các đơn vị đều quyết tâm hoàn thành công tác thăm hỏi, tặng quà trước ngày 27/7 và bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.