Lạm phát duy trì ở mức thấp

Trong tháng 5, tuy tăng trưởng kinh tế giảm so cùng kỳ nhưng có một số dấu hiệu tích cực như lạm phát được duy trì ở mức thấp, chi phí đầu vào giảm giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để hạ giá thành sản phẩm, thực hiện một số biện pháp kích cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn 916.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5. Ảnh: NAM ANH
Hơn 916.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5. Ảnh: NAM ANH

Tháng 5/2023, doanh số bán lẻ tăng 11,5% so cùng kỳ tháng và tăng 12,6% so cùng kỳ của 5 tháng đầu năm 2022. Khách du lịch quốc tế tiếp tục quay trở lại mạnh mẽ với hơn 916.000 lượt khách trong tháng. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đón 4,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Chính phủ đang xem xét gia hạn thị thực điện tử cho khách du lịch nước ngoài (từ 30 ngày hiện tại lên 90 ngày), khuyến khích du khách quốc tế ở lại Việt Nam lâu hơn. Ngoài ra, danh sách miễn thị thực hiện có cho 25 quốc gia đang được xem xét gia hạn. Trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm 2% thuế GTGT áp dụng cho hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Những biện pháp trên sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ. Mặc dù hai mặt hàng lớn nhất là lương thực và thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng lần lượt tăng 3,6% và 6,4%, nhưng giá vận tải giảm và giá các mặt hàng khác ổn định đã giúp lạm phát duy trì ở mức khá thấp. Đặc biệt, với nhóm lương thực và thực phẩm (chiếm một phần ba rổ tính CPI), tháng 5 với kỳ lễ dài ngày đã thúc đẩy người dân ra ngoài ăn uống, cùng lượng khách quốc tế đã kích thích tiêu dùng nhiều hơn. Ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 18,8% rổ tính CPI) chứng kiến lượng tiêu thụ điện tăng cao do nắng nóng kéo dài. Ngoài ra, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng 3% từ tháng 5. Nhóm giao thông (chiếm 10% rổ CPI) giảm gần 9% so cùng kỳ do giá xăng, dầu giảm.

Vốn FDI giải ngân đạt 7,6 tỷ USD, tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu tích cực khi giá trị đăng ký mới tăng mạnh 27,8% so với cùng kỳ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực đóng góp chính cho dòng vốn FDI, chiếm 61,2% tổng dòng vốn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 9,8 tỷ USD và 2,2 tỷ USD trong tháng 5. Xuất khẩu giảm 4,7% so cùng kỳ trong tháng 5, nhưng các sản phẩm nông nghiệp đã có một số cải thiện, cả về khối lượng và giá trị, nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại. Chẳng hạn, xuất khẩu rau đã tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà-phê và chè cũng tăng lần lượt là 28,5% và 10,8% so cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu vẫn yếu do các nhà sản xuất không kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trở lại. Nhìn chung, hoạt động giao dịch sẽ vẫn yếu trong những tháng tiếp theo trước khi khởi sắc vào cuối năm. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 7,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 18,4% so cùng kỳ. Vốn giải ngân chính là từ Bộ Giao thông vận tải, tăng 79,5% so cùng kỳ, chiếm 14,5% tổng giải ngân. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, một số dự án đường cao tốc đã hoàn thành như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km và cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài 100km. Ngoài ra còn có các dự án mới được triển khai gần đây như đường cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang dài 105km. Việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới sẽ tạo động lực đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 vẫn yếu, ở mức 45,3. Dữ liệu báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục giảm do nhu cầu chậm lại. Các doanh nghiệp đang giảm việc làm và các hoạt động mua hàng. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cũng đang giảm, giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để hạ giá và kích cầu.

Từ ngày 25/5/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng thêm 50 điểm cơ bản. Đây là lần thứ hai trong năm NHNN cắt giảm các lãi suất này. Mức trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng (chuẩn chính cho lãi suất cho vay) đã được cắt giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản xuống còn 5,0%. Sức khỏe nội tại của VND (+0,6% từ đầu năm tới nay so USD) và lạm phát thấp là những lý do chính đằng sau việc giảm lãi suất. Đây là một bước phát triển tích cực cho nền kinh tế dù nhu cầu toàn cầu vẫn còn yếu. Lãi suất cho vay thấp hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và giảm gánh nặng lãi suất cho doanh nghiệp.

Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN Index đã có mức tăng 2,5% trong tháng 5, kéo theo mức tăng 7,9% so đầu năm. Thị trường được khích lệ sau chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN. Khối lượng giao dịch trung bình tăng 9,5% so tháng trước lên 619 triệu USD. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trong tháng 5 với số tiền là 134 triệu USD, mặc dù họ đã mua ròng với giá trị dương 100 triệu USD so đầu năm. Diễn biến tích cực của VN Index được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản (+3,0%) khi giá cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản đã lao dốc đáng kể kể từ quý IV/2022. Như vậy, trước những dấu hiệu cho thấy lãi suất đã đạt đỉnh, giới đầu tư kỳ vọng vào triển vọng thị trường bất động sản sẽ sáng sủa hơn.

Các chỉ số tài chính cũng hoạt động tốt với mức tăng 2,5% nhờ hoạt động mạnh mẽ của các công ty môi giới. Lãi suất thấp hơn dự kiến sẽ thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy khối lượng giao dịch trong những tháng tới và thúc đẩy lợi nhuận của các công ty môi giới. Các ngành khác như dịch vụ truyền thông (+8,7%), công nghệ thông tin (+7,4%), công nghiệp (7,1%) cũng đạt kết quả khả quan trong tháng 5.

Nhìn chung, có những dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đang tạo đáy. Trong ngắn hạn, con đường phục hồi của VN Index có thể khó khăn, chủ yếu do lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện chậm. Do hoạt động thương mại sẽ cải thiện trong trung hạn, thu nhập cá nhân, tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước sẽ dần hồi phục trong các quý cuối năm nay. Các tác động kết hợp của việc giảm lãi suất và cải thiện thu nhập có thể sẽ củng cố lộ trình phục hồi của thị trường chứng khoán trên cơ sở bền vững hơn.