Hội thảo tập trung đánh giá tình hình việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội và phong trào phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long; nghe các chuyên gia chia sẻ về các vấn đề liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi số.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, tham gia trao đổi trực tiếp với chuyên gia về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hội và phong trào phụ nữ trong thời gian qua...
Chuyên gia chia sẻ về chuyển đổi số. |
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, hội viên ở cơ sở là thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, cài đặt ví điện tử, kinh doanh qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Cán bộ Hội ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền thông qua mạng xã hội, website, đổi mới hình thức hội họp, báo cáo,...
Kết quả bước đầu dù còn khiêm tốn, nhưng đã chứng minh phụ nữ hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, công nghệ số cũng đặt ra thách thức lớn cho phụ nữ như nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là nhóm lao động ở nông thôn và người yếu thế.
Với đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thách thức liên quan việc chuyển đổi nghề nghiệp và việc tiếp cận của người dân đối với công nghệ đang rất lớn; từ đó ảnh hưởng đến công tác tập hợp, thu hút hội viên, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương để có cơ chế, chính sách khuyến khích; tích hợp hệ thống dữ liệu và liên thông dữ liệu để các tỉnh, thành phố chia sẻ, sử dụng, tránh tình trạng mỗi cơ quan, địa phương một kiểu thì rất khó cho địa phương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ cách làm hay và nguồn lực để cùng nhau phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại hội thảo. |
Với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, ngay sau hội thảo này cần xây dựng báo cáo cụ thể kết quả, trong đó chú trọng những kiến nghị, đề xuất trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương tổ chức thực hiện. Đồng thời, thí điểm vận hành, thường xuyên nâng cấp và tập huấn, hướng dẫn sử dụng app Phụ nữ Hậu Giang để phát huy hiệu quả, hướng đến việc hoàn thiện để tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh.
Thời gian qua, Hậu Giang xác định công nghệ thông tin là bước đột phá để tỉnh phát triển mạnh mẽ, tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh, ứng dụng di động app Hậu Giang được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao.
Hậu Giang cũng đã thành lập hơn 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực với hơn 4.000 thành viên để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, thành lập khu công nghệ số tỉnh với quy mô hơn 28ha…
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Hậu Giang đã có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của 3 cấp chính quyền, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cũng như giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Qua đó, đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền; tăng đáng kể các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của tỉnh...