Chuyên đề được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 30 điểm cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã với sự tham gia của khoảng 1.000 giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn thành phố.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cô giáo Trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) Phạm Hương Giang và các em học sinh lớp 6NK1 đã mang lại tiết dạy ấn tượng với chủ đề Hệ mặt trời và ngân hà. Đây là chủ đề hấp dẫn khi học sinh có cơ hội tiếp cận với những sự vật, hiện tượng xảy ra hằng ngày xung quanh các em như: Mặt trời, Mặt trăng, hiện tượng ngày và đêm…
Trong tiết dạy, cô giáo đã tổ chức các hoạt động đa dạng như: hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, tổ chức trò chơi với các nhiệm vụ cụ thể cho từng hoạt động. Qua đó, giúp học sinh đã phát triển năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, tự khám phá và chủ động tìm hiểu kiến thức mới trong bài học.
Cô giáo Phạm Hương Giang chia sẻ, việc tiếp cận phương pháp dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho học sinh cũng đã không còn quá bỡ ngỡ với giáo viên trung học cơ sở khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chuyên môn giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên của trường đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng thực hiện của từng giáo viên. Đồng thời, tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn, học hỏi từ đồng nghiệp, khai thác triệt để các công cụ hỗ trợ như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) Đào Thị Hồng Hạnh cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng của: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất. Đây là môn học bắt buộc được phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4, 5. Môn học này sẽ giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Thời gian qua, đội ngũ giáo viên nhà trường đã nỗ lực, sáng tạo và tăng cường đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực của học sinh. Đồng thời, tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có để học sinh có cơ hội tiếp cận và khám phá tri thức một cách dễ dàng hơn.
Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đặng Trần Xuân, năm học 2022-2023 là năm thứ hai cả nước triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 6. Việc tổ chức chuyên đề giúp giáo viên dạy bộ môn Khoa học tự nhiên của các trường có cái nhìn bao quát hơn về môn Khoa học tự nhiên.
Đồng thời đây là cơ hội để các thầy giáo, cô giáo cùng nhau thảo luận, trao đổi. Qua đó, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn trong dạy môn Khoa học tự nhiên. Đối với các nhà trường, cần có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, triển khai kịp thời, có hiệu quả, tránh tình trạng học sinh học hết cấp trung học cơ sở mà trang thiết bị của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được trang bị. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò quản trị của trường, nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình.