Gỡ khó cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo, đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, địa phương này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cần được nhanh chóng tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Trong những năm qua, thành phố luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, có nhiều nỗ lực hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy và học tiên tiến, hiện đại. Qua đó, thành phố từng bước giảm sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Mặc dù còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng dân số cơ học cao, nhưng kết quả thực hiện quy hoạch giáo dục, xây dựng trường lớp đang được thực hiện tốt, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Song song đó, chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao, bảo đảm trình độ đạt chuẩn và tỷ lệ trên chuẩn của các bậc học khá cao. Thành phố cũng đã thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non...

Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho nhà trường theo nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá; triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế, nhất là chú trọng cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới.

Các nội dung về giáo dục toàn diện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng sống, phẩm chất công dân… cũng được thành phố thực hiện đa dạng, hấp dẫn. Mô hình “Trường tiên tiến hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”, giáo dục STEM được tích cực xây dựng, triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục thành phố đang gặp những thách thức, bất cập. Cụ thể, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử-địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do giáo viên chỉ được đào tạo dạy đơn môn, chứ chưa được đào tạo chính quy để dạy bộ môn tổ hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong tuyển dụng giáo viên, Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng giáo viên theo hình thức hợp đồng nhưng chỉ áp dụng ở các đơn vị giáo dục tự chủ một phần, riêng các trường hoạt động do ngân sách cấp 100% kinh phí không thể hợp đồng giáo viên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tuyển giáo viên tại thành phố gặp khó và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu giáo viên mà địa phương đang đối mặt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngành giáo dục thành phố được giao hơn 11.000 biên chế viên chức giáo dục nhưng hiện nay chưa tuyển dụng đủ, nhất là giáo viên Tin học, tiếng Anh, Mỹ thuật... gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tới đây, toàn ngành giáo dục tiếp tục tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính sách thu hút giáo viên các môn đặc thù để đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, thành phố cũng đang đối mặt áp lực từ việc tăng dân số cơ học, mỗi năm tăng khoảng 40.000 học sinh. Mặc dù địa phương luôn dành ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhưng áp lực về trường lớp vẫn luôn là “gánh nặng” mỗi khi bước vào năm học mới. Việc này đã ảnh hưởng đến mục tiêu của thành phố là giảm sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.

Tính đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố đối với bậc tiểu học đạt hơn 74%, trung học cơ sở đạt 63,2%, trung học phổ thông hơn 95%. Một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực dân số cơ học tăng cao như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân, Quận 12 sân chơi còn hạn chế, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng, do tất cả các phòng đều tập trung cho việc học của học sinh...

Để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian tới, thành phố tập trung rà soát nhu cầu trường lớp để ưu tiên bố trí vốn đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng trường lớp, kiện toàn cơ sở vật chất cho các trường học bảo đảm đủ chỗ cho học sinh học 2 buổi/ngày, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc...

Mới đây, tại buổi giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Anh Đức,

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép trường học được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ hai đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các bộ, ngành liên quan cần có quy định cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...