Kon Tum tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

NDO - Sáng 20/4, tại Hội trường Ngọc Linh, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum tại hội nghị cho thấy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum được giữ vững, ổn định. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình số 75-CTr/TU, ngày 14/10/2014 để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình số 75-CTr/TU phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, địa phương và tình hình thực tế, gắn với thực hiện các chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh có liên quan nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI theo quy định.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã tổng kết và ban hành Chỉ thị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh, trật tự cho năm tiếp theo.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó cấp tỉnh giảm 6 đầu mối phòng thuộc sở, ngành và giảm 142 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; cấp huyện tiến hành sắp xếp, thành lập mới các đơn vị, trường học, giảm 47 đầu mối; cấp xã giảm 119 thôn, tổ dân phố. Chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp ngày càng nâng lên, cơ bản khắc phục được tình trạng khép kín.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ ở một số ngành, địa phương; triển khai xây dựng một số khu vực kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn các huyện biên giới; xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông quan trọng, tuyến giao thông đến trung tâm các xã, đường tuần tra biên giới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch khu vực phòng thủ tỉnh Kon Tum; phát triển các ngành kinh tế gắn với tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp quốc phòng, bảo đảm phát triển kinh tế theo hướng lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống; thẩm định chặt chẽ về mặt quốc phòng đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; chú trọng công tác bố trí, sắp xếp dân cư, tái định canh, tái định cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và giải quyết các vấn đề dân di cư tự do.

Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Kon Tum đã triển khai 3 dự án bố trí dân cư cho trường hợp di cư tự do với 810 hộ/2.590 khẩu. Ngoài ra, thông qua các đề án, chính sách của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ định canh, định cư cho 363 hộ/1.679 khẩu người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến tháng 12/2022, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở là 98,15% và đất sản xuất là 97,8%; tăng cường tuyên truyền, vận động tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức của các tổ chức chính trị-xã hội đạt 81%, trong đó: Đoàn Thanh niên 78,07%, Hội Liên hiệp Phụ nữ 77,23%, Hội Nông dân 74,6%, Hội Cựu chiến binh 86,3%, Công đoàn 88,19%, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động để giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum.

Tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo thực hiện tốt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và đầu tư xây dựng cơ bản các thiết chế văn hóa, nhất là tại cấp xã; khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, một số nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ; triển khai hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo, quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kon Tum tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ảnh 1

Đại tướng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Tô Lâm nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Tỉnh ủy Kon Tum đã đạt được trong 10 năm qua.

Tỉnh ủy Kon Tum đã bám sát và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn; nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tạo môi trường an ninh, an toàn để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là quy luật tồn tại, phát triển của đất nước, trong đó bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, hùng cường.

Năm 2003, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Sau 10 năm thực hiện, trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết thứ hai về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đưa ra mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 7 quan điểm, 3 phương châm chỉ đạo và 6 nhiệm vụ, giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian tới, Đại tướng Tô Lâm cơ bản thống nhất với phương hướng nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh ủy Kon Tum đã đề ra.

Đại tướng nhấn mạnh một số nội dung: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từ việc cụ thể hóa, xác định trách nhiệm của người đứng đầu đến công tác tuyên truyền, quán triệt, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phải thực sự đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị tỉnh Kon Tum quan tâm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng lãnh đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh...

Đại tướng Tô Lâm đề nghị, cần tiếp tục củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc, trọng tâm là chăm lo thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, có các giải pháp giảm nghèo bền vững cho người dân tộc thiểu số; xác định bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là trọng tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo đúng quy định; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Đồng chí cũng nhấn mạnh việc quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế, xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong từng dự án, đề án, chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài, liên quan các khu vực chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Trước mắt, tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa, tạo cơ sở vững chắc cho bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại với nhân dân; quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên; đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi đôi với phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh; cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an ninh biên giới, an ninh trong vùng dân tộc thiểu số, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị tỉnh Kon Tum quan tâm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng lãnh đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; quyết liệt tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, cần chủ động, tích cực thực hiện công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và lực lượng vũ trang các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia để củng cố phòng tuyến an ninh từ xa, từ ngoài biên giới lãnh thổ, xử lý có hiệu quả những thách thức đối với quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.