Tham dự và chủ trì hội nghị có Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được Ban Chấp hành Trung ương thông qua ngày 25/3/2013, ban hành chính thức bằng Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013. Đây là chủ trương, chiến lược lớn của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh ủy Kiên Giang có Chương trình hành động số 46- CTr/TU ngày 10/2/2014 cụ thể hóa thực hiện. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức, tư tưởng và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng mạnh từ 56.171 tỷ đồng năm 2013 lên 68.436 tỷ đồng năm 2022, vươn lên đứng thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư; xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình chính sách, giải quyết an sinh xã hội thực hiện tốt; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ gần 45 triệu đồng/người vào năm 2013 tăng lên hơn 66 triệu đồng/người trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,92%... đã góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Quang cảnh hội nghị. |
Tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng khu kinh tế biển, khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông... để bảo đảm tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đã thành lập Hải đội Dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới theo chủ trương của Bộ Quốc phòng.
Tỉnh đã duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với chính quyền và lực lượng vũ trang các tỉnh giáp biên của Campuchia; giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp xảy ra trên tuyến biên giới, biển với tinh thần đoàn kết, tôn trọng chủ quyền...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trung tướng Lê Tấn Tới ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng cùng những kết quả đạt được của Đảng bộ Kiên Giang qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Trung tướng Lê Tấn Tới khẳng định, trong mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI thì tỉnh Kiên Giang đã đạt rất xuất sắc. Với vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI là hết sức quan trọng. Thế trận lòng dân được xây dựng ngày càng vững chắc, nhận thức về phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh và đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao và không ngừng được lan tỏa.
Trung tướng Lê Tấn Tới lưu ý Đảng bộ Kiên Giang cần tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là các nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau như vấn đề chiến tranh trên không gian mạng, gián điệp mạng, chiến tranh ủy nhiệm, an ninh trong chuyển đổi số Việt Nam; về đối tác, đối tượng trong tình hình mới...
Trung tướng Lê Tấn Tới cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục nghiên cứu về những công trình lưỡng dụng, về các dự án khoa học công nghệ tiên tiến dân sự, về chuyển đổi số quốc gia của tỉnh… Củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Kiên Giang là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế biển, có lượng phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển lớn nhất cả nước, cần nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi được huy động; đồng thời tỉnh có cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân ra các đảo sinh sống, làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại, nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, nhất là đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhân dân. Chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo đúng, sát tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa để lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý tốt, hiệu quả các tình huống, vấn đề phát sinh về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ…
Dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen cho 28 tập thể và 61 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.