Xuất khẩu cà-phê Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới

NDO - Thị trường cung ứng Robusta dần sôi động với sự trở lại của 2 quốc gia sản xuất lớn bên cạnh Việt Nam là Brazil và Indonesia. Tuy vậy, triển vọng nguồn cung không mấy tích cực tại 2 quốc gia trên đang là lợi thế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Giá Robusta leo thang trước lo ngại nguồn cung khan hiếm

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, giá Robusta trên Sở ICE London ghi nhận ở mức 2.299 USD/tấn, tăng 20% so mức giá 1.926 USD/tấn hồi đầu năm. Thậm chí, giá mặt hàng này có thời điểm giao dịch trên mức 2.300 USD/tấn, cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.

Xuất khẩu cà-phê Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới ảnh 1

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng của giá Robusta từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ những lo ngại của thị trường về vấn đề khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng. Dù vậy, mức giá cao ở thời điểm hiện tại đang là lợi thế khá tốt cho hoạt động xuất khẩu cà-phê của Việt Nam”.

Dự báo sản lượng tại Brazil, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 đã bị cắt giảm 3.8% so năm 2022 xuống còn 17.5 triệu bao, theo dữ liệu từ Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Chính phủ (Conab).

Sự gia tăng nhanh chóng của giá Robusta từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ những lo ngại của thị trường về vấn đề khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng. Dù vậy, mức giá cao ở thời điểm hiện tại đang là lợi thế khá tốt cho hoạt động xuất khẩu cà-phê của Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh

Mới đây nhất, Tổ chức cà-phê thế giới (ICO) cho biết thị trường cà-phê thế giới được dự đoán sẽ thâm hụt 7.27 triệu bao trong niên vụ hiện tại, với sự suy yếu 2.1% của sản lượng Robusta so niên vụ trước.

Tâm lý lo ngại nguồn cung trở thu hẹp đã khiến nông dân các nước xuất khẩu chính trở nên dè dặt hơn trong quyết định đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Trong khi đó, ICO cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cà-phê sẽ ở mức 1-2%/năm, đẩy thị trường ở thời điểm hiện tại rơi vào tình trạng khan hiếm, từ đó hỗ trợ cho đà tăng của giá.

Nguồn cung tiếp tục hạn chế từ đối thủ cạnh tranh

Indonesia đã bắt đầu thu hoạch mùa vụ mới với dự báo sản lượng ở mức thấp kỷ lục trong 9 năm, khiến cho nông dân nước này hạn chế hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, quốc gia này đã xuất khẩu 27.022 tấn cà-phê trong 2 tháng đầu năm, giảm mạnh so 37.666 tấn cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu của chính phủ.

Với Brazil, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Dù mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, lượng mưa bất ngờ quay trở lại khu vực Đông Nam của Brazil và được dự báo tiếp diễn trong tháng 4. Điều này có thể đem lại lợi thế cho sự phát triển Arabica tại Minas Gerais, nhưng đồng thời lại là bất lợi đối với hoạt động thu hoạch tại Espirito Santo, vùng sản xuất Robusta chính.

Cùng với đó, các nhà sản xuất đều đánh giá không mấy tích cực về vụ cà-phê đang thu hoạch do thời tiết không thuận lợi vào đầu mùa, đã khiến sản lượng ở dưới mức tiềm năng. Kết hợp những dự báo về sản lượng suy yếu, nông dân tại quốc gia này cũng hạn chế việc cung ứng ra thị trường.

Như vậy, dù thị trường xuất khẩu chuẩn bị sôi động trở lại với sự xuất hiện của 2 quốc gia cung ứng hàng đầu, nhưng sẽ không còn đe dọa lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí còn là lợi thế trong bối cảnh nông dân lo sợ rủi ro sản lượng thấp.

Xuất khẩu cà-phê Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới ảnh 2

Việt Nam tận dụng cơ hội duy trì kỷ lục cung ứng

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới chưa ổn định, đặc biệt sau những biến động vĩ mô, giới phân tích nhận định nhu cầu đối với Robusta vẫn có thể khởi sắc.

Với ưu điểm giá thành rẻ hơn, Robusta đang có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh thị phần tiêu dùng so với Arabica, một giống cà phê lớn khác có vị thanh hơn nhưng giá cả cao hơn.

Sự trỗi dậy của Robusta phần nào được thể hiện qua số liệu xuất khẩu cà phê gần đây của Việt Nam, quốc gia cung ứng lớn nhất thế giới với 36% sản lượng toàn cầu. Việt Nam đã xuất khẩu 210.372 tấn cà-phê vào tháng 3 vừa qua, tăng 5,2% so tháng trước và cao hơn mức 142.544 tấn của tháng 1, theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan.

Mặc dù số liệu xuất khẩu trong tháng qua giảm nhẹ 0.12% so cùng kỳ tháng năm ngoái, nhưng kim ngạch có sự tăng trưởng tốt khi đạt 482,4 triệu USD, cao hơn mức 474,4 triệu USD của tháng 3/2022. Điều này chỉ ra lợi thế về giá ở thời điểm hiện tại mà nước ta có thể tận dụng.

Xuất khẩu cà-phê Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới ảnh 3

“Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tận dụng tình hình giá cả đang ở mức cao, dao động từ 49.300-49.800 đồng/kg, cùng hỗ trợ kép khi nhu cầu tăng trưởng ổn định và hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều có sản lượng thấp, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu ngành cà-phê trên 4 triệu USD, tiếp nối kỷ lục năm 2022”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.

Như vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp tục duy trì vị thế quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất thế giới cũng như nối tiếp kỷ lục kim ngạch xuất khẩu cà-phê đã lập ra trước đó. Việc đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian này là cần thiết vì sự phát triển của ngành cà-phê cũng như lợi ích của các nhà xuất khẩu trong nước.