Chương trình cũng hướng tới việc tuyên truyền, giáo dục ngư dân, thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo; khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của ngư dân, thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế và góp phần bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc; tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế tái tạo ắc-quy chì; ngư dân ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển.
Đồng hành cùng chương trình, có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, Hội nghề cá các địa phương.
Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh là đại sứ của chương trình.
Theo Tổng biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước, trong 3 năm (2023-2025), chương trình sẽ thực hiện tại 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Tổng cộng sẽ có 5.600 ngư dân trong cả nước (200 ngư dân/địa phương) được nhận quà từ chương trình.
Mỗi ngư dân sẽ nhận bộ quà tặng trị giá trị giá hơn 4 triệu đồng gồm: 1 bộ ắc-quy phục hồi, 1 cuốn cẩm nang những điều cần biết về đánh bắt hải sản với nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân, 1 túi thuốc chống nước.
Ngoài ra, chương trình sẽ kết hợp với chính quyền địa phương trao thêm một số phần quà (học bổng, xe đạp, sách, tập...) cho con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn.
Theo kế hoạch, lễ công bố chương trình sẽ được Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 7/4.