Áp lực lạm phát chưa hạ nhiệt

Khảo sát 12 khu vực của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, các điều kiện kinh tế được cải thiện ở mức khiêm tốn đến vừa phải trong hầu hết các khu vực. Một số khu vực đã báo cáo về lạm phát gia tăng, như áp lực lạm phát dai dẳng ở khu vực New York và sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí thuê nhà ở khu vực Cansas City. FED cảnh báo, Mỹ vẫn đối mặt áp lực lạm phát lan rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát được cảnh báo có thể lan rộng tại Mỹ. (Ảnh: REUTERS)
Lạm phát được cảnh báo có thể lan rộng tại Mỹ. (Ảnh: REUTERS)

Số liệu do công ty khảo sát ADP (Mỹ) công bố cho thấy, tuyển dụng lao động ở Mỹ đang tăng trong khi áp lực lạm phát tiếp diễn. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADP nhận định, việc tăng tuyển dụng khu vực tư nhân có lợi cho nền kinh tế và người lao động, song tốc độ tăng lương vẫn khá cao, khiến lạm phát khó giảm nhanh trong ngắn hạn.

Nhà trắng thông báo, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị kế hoạch giúp nước Mỹ giảm thâm hụt ngân sách gần 3.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Theo Thư ký báo chí Nhà trắng, kế hoạch ngân sách trên dựa một phần vào việc tăng các loại thuế đối với các tập đoàn lớn và giàu có. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch này và cho rằng nên tập trung vào biện pháp cắt giảm chi tiêu thay vì tăng thuế.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" để hạ nhiệt lạm phát và khôi phục sự ổn định giá cả. Theo ECB, lạm phát vẫn cao tại hầu hết các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,5%, đảo chiều đà tăng lãi suất trong một năm qua. BoC cho rằng nền kinh tế Canada đã đủ khả năng kiềm chế lạm phát, tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong trường hợp bối cảnh kinh tế thay đổi.

Ngày 9/3, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, GDP của nước này trong quý IV năm 2022 thực tế chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn so với mức 0,6% được báo cáo. Chính phủ Nhật Bản cân nhắc triển khai các biện pháp bổ sung nhằm giảm lạm phát trong bối cảnh các gia đình ngày càng cảm nhận rõ sức ép của giá hàng hóa leo thang.

Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn sỗ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, lạm phát của Trung Quốc vẫn được kiểm soát trong tháng 2 vừa qua, với giá tiêu dùng và chi phí hàng hóa tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính, tăng 1%. Con số này thấp hơn mức tăng 2,1% được ghi nhận trong tháng 1.