Làng cá chép đỏ Thủy Trầm tất bật chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo

NDO - Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp hằng năm).
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làng Thủy Trầm thu hoạch cá chép đỏ.
Người dân làng Thủy Trầm thu hoạch cá chép đỏ.

Mặc dù còn 3 ngày nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo nhưng người dân đã bắt đầu hút ao, chuyển cá vào trong chuẩn bị xuất bán đi các địa phương.

Ông Nguyễn Công Vui, ở khu 3, xã Tuy Lộc chia sẻ, gia đình ông có 2 ao chuyên nuôi cá chép đỏ. Cũng như mọi năm, năm nay, gia đình ông dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2 tạ cá. Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt mua cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Làng cá chép đỏ Thủy Trầm tất bật chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo ảnh 1

Các hộ dân rút nước ao để thu hoạch cá chép.

Ông Hà Công Vụ, Bí thư chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc) cho hay, gia đình ông nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Ông nhẩm tính, với việc cá sinh trưởng tốt và đều như năm nay, cả 2 ao của gia đình ông có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ cá.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay, xã Tuy Lộc có hơn 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, tạo việc làm cho hơn 1.140 người.

Làng cá chép đỏ Thủy Trầm tất bật chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo ảnh 2

Trước khi bán cho các thương lái, cá chép được đánh bắt từ ao chuyển sang bể nước trong để quen với môi trường mới.

Thông thường cá giống sẽ được nuôi từ tháng 6, chăm sóc đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường ưa chuộng. Cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm cho hay, lúc đầu, người dân địa phương chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” mang lại may mắn trong dịp Tết và từ đó nhiều người mua về cúng ông Công, ông Táo. Nhờ sinh lợi lớn, cho nên hiện nay nghề nuôi cá chép đỏ phát triển. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2-3 ao cá. Bà con chăm sóc và tự tay chế biến thức ăn cho cá, không cho cá ăn các loại cám bán sẵn trên thị trường.

Làng cá chép đỏ Thủy Trầm tất bật chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo ảnh 3

Cá chép đỏ Thủy Trầm có màu sắc đẹp, cá bơi khỏe, được thị trường ưa chuộng.

Năm nay, làng nghề dự kiến cung cấp khoảng 35 tấn cá ra thị trường, trung bình giá bán 1kg cá chép đỏ tại bờ từ 110.000-150.000/kg (khoảng từ 40-50 con/kg), trừ chi phí, người dân thu bình quân 25 triệu đồng/sào.

Làng cá chép đỏ Thủy Trầm tất bật chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo ảnh 4

Ông Nguyễn Huy Luận xã Tuy Lộc vui mừng vì năm nay cá chép đỏ được mùa, được giá.

Về thăm làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc vào những ngày này mới chứng kiến không khí vui tươi, nhộn nhịp trong lao động. Từng đoàn xe tải xếp hàng chờ lấy cá, người lao động hân hoan chuẩn bị thu hoạch thành quả sau một năm làm việc vất vả.

Nhờ nuôi cá chép đỏ, đời sống của nhân dân Thủy Trầm ngày càng phát triển, tích cực góp phần vào xây dựng nông thôn thôn mới ở địa phương.