Đắk Lắk triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023

NDO - Ngày 29/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị triển khai các nhiệm vụ năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị triển khai các nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra, đặc biệt là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu đề ra đều thực hiện đạt và vượt, trong đó có 6 chỉ tiêu nổi bật, vượt kế hoạch, gồm: Giá trị tổng sản phẩm xã hội đạt 58.355 tỷ đồng, bằng 103,65% kế hoạch, tăng 8,94% so năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 56,7 triệu đồng/người; tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội đạt 35.738 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, bằng 125% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 93.000 tỷ đồng, bằng 102,76% kế hoạch; tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 9.152 tỷ đồng, bằng 111,6% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 137,25% dự toán Trung ương giao. Ngoài ra, có chỉ tiêu thành phần số lao động được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vượt kế hoạch đề ra.

Bảy chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển doanh nghiệp; giảm nghèo; lao động, việc làm; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; y tế; quốc phòng-an ninh...

Có 3 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch, nhưng trong đó, có chỉ số thành phần đạt thấp, gồm chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng mới chỉ có 1 đơn vị hoàn thành.

Chỉ tiêu về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn kế hoạch đề ra, cuối năm 2022 ước đạt 38,35%, trong khi kế hoạch đề ra là 39,24%.

Chỉ tiêu về cải cách hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đến cuối năm 2022 ước đạt 15,42%, trong khi kế hoạch đề ra là hơn 20%...

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022 tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) thấp hơn kế hoạch đề ra là do cập nhật sai lệch trạng thái giữa hồ sơ và thực địa, diện tích rừng tự nhiên bị giảm do chặt phá trái phép, chuyển mục đích sử dụng sang thực hiện các công trình thủy lợi trong các năm trước nhưng chủ rừng chưa báo cáo, diện tích rừng nghèo kiệt suy giảm trữ lượng không đủ tiêu chí rừng đã chuyển sang trồng rừng nông, lâm kết hợp và diện tích rừng suy giảm trong các dự án đã thu hồi giao cho địa phương quản lý trên địa bàn các huyện Ea H’leo và Ea Súp.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư công trên địa bàn đạt thấp. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được 132,393/773,465 tỷ đồng, đạt 28,12% kế hoạch. Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh chỉ giải ngân được 86,330/307 tỷ đồng, đạt 28,12% kế hoạch. Vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh đối ứng chỉ giải ngân được 2,045/43,295 tỷ đồng, đạt 4,72% kế hoạch...

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 cũng như dự báo những thuận lợi, khó khăn, thách thức, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023 như: Tổng sản phẩm xã hội đạt 62.900-63.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,8-8% so năm 2022.

GRDP đầu người đạt 62,3 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.200 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 95.300 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 10.100 tỷ đồng; thành lập mới 1.670 doanh nghiệp và 60 hợp tác xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%...

Đắk Lắk triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023 ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, trong năm 2023, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh vừa có nhiều thuận lợi, cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, cùng một lúc tỉnh vừa triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đề nghị Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương chủ động và khẩn trương triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, trước mắt là thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trong năm 2023, đưa Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, là trung tâm liên kết vùng và cực tăng trưởng chính của toàn vùng Tây Nguyên.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, thi đua sáng tạo trong công tác, lao động, sản xuất, học tập vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.

Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...