Hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển

Chiều 6/12, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Cuộc tọa đàm đã làm rõ thêm ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội và các vấn đề trong thực tiễn.

Đồng thời, Tọa đàm tập trung đề xuất các ý kiến để làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô; chuyển đổi số, xây dựng thể chế, truyền thông chính sách…

Tại cuộc tạo đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; tập trung phát triển văn hóa Hà Nội; thúc đẩy các cơ chế đặc thù, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Hà Nội...

Theo các chuyên gia, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15 đề ra cần rất nhiều yếu tố, về quy hoạch, phát triển văn hóa, thu hút về nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trong đó, về quy hoạch, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến hai quy hoạch triển khai song song đồng thời là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội đã giao cho hai đơn vị thực hiện Nghị quyết này, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là đơn vị được giao tổ chức điều chỉnh chung quy hoạch. Quá trình thực hiện, Viện phối hợp với các cơ quan của thành phố để rà soát, đánh giá, nhận định, xem xét các yếu tố tác động để đưa vào nội dung đánh giá.

Theo ông Lưu Quang Huy, Hà Nội có một số thuận lợi như có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực để phát triển kinh tế; Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành phố khác không có.

Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn và là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai.