Chiều 30/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau họp đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 24 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 11 chủ thể ở 6/9 huyện và TP Cà Mau, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt 3 sao của Cà Mau đến nay là 101.
Theo Hội đồng đánh giá, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Phần lớn sản phẩm OCOP tại địa phương đã được kết nối trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com, voso.vn, postmart.vn... và các kênh khác như Lazada, Alibaba, Amazon, Facebook, Zalo… Một số sản phẩm còn xuất khẩu được qua các thị trường Canada, Australia, Singapore, Trung Quốc…
Cũng nhờ đó mà hiện tại, có hơn 30% sản phẩm OCOP của Cà Mau có doanh thu tăng từ 5%-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 5%- 20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Sản phẩm OCOP Cà Mau còn đa dạng về thiết kế, mẫu mã, bao bì..., mang tính đặc thù nên được nhiều người tiêu dùng sử dụng làm quà tặng.
Cà Mau đang thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn ổn định, bền vững. Phương châm của Cà Mau là thực hiện kiên trì, không nóng vội, không chạy theo thành tích…
Để thực hiện đúng hướng đi trên, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, lưu ý, chính quyền địa phương và ngành chức năng trong tỉnh: Chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu chương trình để thu hút, khuyến khích ngày càng nhiều sự tham gia của các chủ thể tiềm năng mới để phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, chính quyền và các ngành cần tạo điều kiện để các chủ thể trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cập nhật sản phẩm vào trang web OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử, trọng điểm du lịch để quảng bá đến người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; nâng cao hơn nữa vai trò kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các chủ thể về mọi mặt, tổ chức sản xuất, quảng bá xúc tiến thương mại; các chủ thể chú trọng nhiều hơn trong đổi mới mẫu mã bao bì, công nghệ chế biến, thông tin truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy xúc tiến thương mại…