Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Traisuree Traisoranakul cho biết, Đạo luật về Trách nhiệm Sản phẩm được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không để họ bị các doanh nghiệp lợi dụng bán các loại hàng hóa bị lỗi, dù vô tình hay cố ý, và từ chối chịu trách nhiệm. Đạo luật này sẽ được áp dụng để xác định trách nhiệm pháp lý đối với các doanh nghiệp bán các thiết bị điện, thiết bị điện tử, ô-tô và xe máy cá nhân và các loại hàng hóa khác được quy định trong Sắc lệnh Hoàng gia.
Theo bản dự thảo luật, trong vòng một năm kể từ khi nhận hàng, nếu người tiêu dùng phát hiện sản phẩm bị khiếm khuyết thì sản phẩm sẽ bị coi là đã có khiếm khuyết kể từ thời điểm giao hàng. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các loại hàng hóa lắp ghép trong trường hợp người tiêu dùng đã làm theo đúng các hướng dẫn lắp ghép mà doanh nghiệp cung cấp nhưng sách không chỉ rõ cách lắp đặt hoặc sản phẩm lắp ráp hoàn thiện không đúng mô tả hoặc bị khiếm khuyết.
Khi phát hiện hàng hóa bị lỗi, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đổi hàng mới, sửa chữa, giảm giá hoặc hoàn tiền cho mặt hàng bị lỗi. Các thỏa thuận trước đó không phù hợp với đạo luật và gây bất lợi cho người tiêu dùng sẽ bị coi là vô hiệu.
Bà Traisulee khẳng định, dự thảo luật mới sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Do Luật Thương mại và Dân sự hiện hành của Thái Lan quy định, người tiêu dùng phải chứng minh trước tòa rằng mặt hàng mà họ mua không bị lỗi từ đầu và không do họ làm hư hại. Tuy nhiên, do nhiều hàng hóa có độ phức tạp cao và được chế tạo bằng công nghệ hiện đại nên không dễ phát hiện hàng bị khiếm khuyết ở thời điểm mua hoặc nhận hàng. Vì vậy, cần có một đạo luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Sau khi được Chính phủ Thái Lan thông qua, Dự thảo luật về Trách nhiệm sản phẩm sẽ được Hội đồng Nhà nước xem xét, sau đó đệ trình lên Quốc hội Thái Lan cân nhắc và thông qua trước khi có hiệu lực.