Tham dự Tọa đàm có TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS, TS Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K; Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn. Tuy nhiên, bệnh cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm. Nguyên nhân được các Bệnh viện chỉ ra trong quá trình triển khai thí điểm là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ.
Bên cạnh đó, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân… Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan việc cần triển khai tự chủ bệnh viện như thế nào, nhất là các bệnh viện công lập tuyến cuối, để giúp các cơ sở này vượt qua khó khăn trong giai đoạn này và phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phục vụ người dân tốt hơn, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm xã hội?
Tại buổi tọa đàm, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 2 bệnh viện thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai và rất nhiều bệnh viện thực tế đang thực hiện tự chủ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây mức độ tự chủ, chi thường xuyên khác nhau, chưa có bệnh viện nào tự chủ toàn diện cả. Năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 trong 4 bệnh viện được Chính phủ chỉ định thí điểm tự chủ toàn diện.
Về tình hình tự chủ toàn diện thời gian qua, thứ nhất, Bệnh viện Bạch Mai bắt tay tự chủ toàn diện trong điều kiện hết sức khó khăn. Trước hết là vướng vào dịch bệnh như tất cả các bệnh viện khác phải trả qua. Thứ hai, câu chuyện của Bạch Mai đặc biệt hơn. Hai năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020, 2021 không bộc lộ ra việc thiếu này do số lượng bệnh nhân trong hai năm này giảm rất nhiều vì dịch, nên rất ít người bệnh đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bắt đầu đến quý II/2022, khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị rất nhiều, thí dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...
Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện là rất thấp do Bệnh viện mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế. Mặc dù được tự chủ toàn diện, nhưng Bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá, hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy, bởi Bệnh viện xác định mình là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, xã hội hóa y tế là chủ trương hoàn toàn đúng. Chúng ta cần những văn bản pháp quy rõ ràng về vấn đề này. Bây giờ tự chủ toàn diện bệnh viện thì chắc chắn phải xã hội hóa. Trong xã hội hóa, các vấn đề liên doanh liên kết, thuê địa điểm, thuê máy móc thiết bị y tế… phải có văn bản pháp quy hết sức chặt chẽ để có hành lang pháp lý chuẩn. Nếu chúng ta không có hàng lang pháp lý, thì cái khó nhất của tự chủ bệnh viện là ngại làm, không dám làm. Vấn đề là chưa có văn bản pháp quy, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để hoạt động. Nếu làm, chúng ta rất dễ vướng vào những sai phạm.
Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chia sẻ: Nếu quy theo Nghị định 60 thì nên ở mức 2, mức 3 thôi, không có mức thứ nhất là tự chủ toàn diện, bao gồm cả đầu tư. Có mấy lý do sau: Thứ nhất là làm như thế, sau khi có Nghị quyết 33 thì cần một loạt hệ thống văn bản pháp quy phục vụ cho việc đó nhưng chưa có, chưa hoàn thiện. Bản thân ông đã gặp các đồng nghiệp đều được nói rằng, anh em chưa làm được, làm rất dễ bị sai phạm. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Ý thứ hai, phải nói thật rằng tự chủ là chủ trương rất đúng, là cơ chế rất hay nhưng tự chủ đến đâu? Nếu tự chủ quá mức vô tình mình tư nhân hóa… Cái này là sai định hướng xã hội chủ nghĩa, sai đường lối của Đảng.
Ông khẳng định không ủng hộ tự chủ đến mức cao nhất, nhiều nhất, vì nó sai định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Đi cụ thể nữa vào Bệnh viện Bạch Mai, người ta rất yên ổn theo Nghị định 43 làm tự chủ toàn phần tức là tự chủ mức chi thường xuyên, đời sống anh em vẫn rất dễ chịu. Nhưng khi chuyển qua Nghị quyết 33 là tự chủ theo mức cao nhất thì bị mắc 3 cái vướng: Các văn bản pháp quy tháo gỡ chưa có và rất nguy cơ nếu làm là bị sai. Thứ hai là đúng vào dịch Covid-19, bệnh viện bị phong tỏa. Thứ ba là một loạt giám đốc vướng vào vòng lao lý. Đây là thời kỳ nặng nề nhất, khó nhất nói về cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai. Ba lý do dồn lại một lúc nên họ không thể làm được.
Ông rất ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai, kể cả Bệnh viện K, trong việc tự chủ toàn diện nhưng ở mức 1 thì không ủng hộ; ông ủng hộ và đề nghị rất nhanh chóng quay trở lại tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3, tốt nhất là ở mức tương ứng trong Nghị quyết 60. Đó là tự chủ có chi thường xuyên…