Biến động mạnh trên nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Nông sản sau Báo cáo cung-cầu tháng 10

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index nối dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 0,6% xuống 2.497 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thị trường chứng kiến các mức biến động mạnh trên nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Nông sản, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành Báo cáo cung-cầu (WASDE) tháng 10 vào đêm qua theo giờ Việt Nam. Do ưu thế tính chất 2 chiều của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư vẫn có thể hưởng lợi ngay cả khi giá giảm, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn được duy trì ở định mức 4.400 tỷ đồng.

Biến động mạnh trên nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Nông sản sau Báo cáo cung-cầu tháng 10 ảnh 1

Giá bông sụt giảm mạnh sau Báo cáo cung-cầu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/10, sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trừ dầu cọ thô. Giá bông giảm mạnh hơn 4% khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu giảm mạnh trong khi tồn kho cuối kỳ bật tăng.

Theo số liệu từ Báo cáo cung-cầu nông sản (WASDE) tháng 10, sản lượng bông trên toàn cầu ghi nhận sự suy yếu nhẹ với 400.000 kiện, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh 3,03 triệu kiện và tồn kho cuối kỳ tăng 3,12 triệu kiện so với số liệu trong báo cáo tháng 9. Đây chính là nguyên nhân đã kéo giá bông lao dốc trong tối qua và dẫn đến mức giảm gần 4 cents/pound.

Biến động mạnh trên nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Nông sản sau Báo cáo cung-cầu tháng 10 ảnh 2

Theo sát ngay sau bông là mức giảm gần 4% của cà-phê Arabica. Nguyên nhân lý giải cho sự sụt giảm của mặt hàng này đến từ số liệu tích cực về nguồn cung bông tại Brazil. Cụ thể, theo dữ liệu từ tập đoàn công nghiệp Cecafe, quốc gia xuất khẩu cà-phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 3,07 triệu bao cà-phê loại 60kg ra nước ngoài trong tháng 9, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó Arabica xuất khẩu 2.98 triệu bao, tăng 18% so tháng 9/2021. Bên cạnh đó, mùa vụ cà-phê cho niên vụ tiếp theo cũng nhận được sự hỗ trợ từ lượng mưa trong thời gian qua cũng phần nào gây sức ép lên giá cà-phê.

Hai mặt hàng đường cũng ghi nhận sự suy yếu với mức giảm khiêm tốn 0,32% với đường 11 và 0,61% với đường trắng. Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong khoảng 2% trong phiên hôm qua, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng, từ đó gây sức ép lên giá. Bên cạnh đó, mưa lớn tại Ấn Độ có thể khiến hoạt động thu hoạch mía bị đẩy lùi 2 tuần, khiến việc ép mía cũng bị đẩy lùi so với dự kiến ban đầu. Điều này có thể khiến đường từ Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh cùng thời điểm với đường tại Thái Lan khi quốc gia này sẽ bắt đầu mùa ép mía vào cuối tháng 11, có thể sẽ là nhân tố gây áp lực lên giá khi nguồn cung dồi dào trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, dầu cọ thô là mặt hàng duy nhất ghi nhận sự khởi sắc trong nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua với mức tăng 1% khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu cọ toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong quý IV năm nay.

Giá lúa mì giảm mạnh 2%, dẫn dắt xu hướng nhóm nông sản

Giá lúa mì đã tiếp nối đà suy yếu và là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua. Như dự đoán của thị trường trước báo cáo WASDE, những số liệu tích cực về triển vọng nguồn cung là yếu tố chính tạo sức ép lên giá.

Tại Mỹ, USDA đã hạ dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 xuống còn 1,6 tỷ giạ, từ mức 1,7 tỷ giạ nhưng điều này đã được phản ánh trong Báo cáo Tổng quan Ngũ cốc hằng năm (Small Grains Annual Summary) được phát hành vào 30/9. Ngoài ra, USDA đã hạ dự báo xuất khẩu lúa mì của Argentina trong niên vụ 22/23 đi 1 triệu tấn, do mùa vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. Tuy nhiên, mức giảm này được bù đắp bởi mức tăng xuất khẩu 1,5 triệu tấn của Liên minh châu Âu.

Không những thế, bất chấp việc Nga cho biết đã có một vụ lúa mì bội thu với sản lượng dự báo lên tới 100 triệu tấn dù hoạt động thu hoạch còn chưa kết thúc, USDA vẫn duy trì sản lượng và xuất khẩu lúa mì của nước này ở mức 91 triệu tấn và 42 triệu tấn. Điều này khiến cho thị trường càng có kỳ vọng vào mức điều chỉnh tăng vào các báo cáo sau và cũng là yếu tố gây sức ép đối với giá.

Biến động mạnh trên nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Nông sản sau Báo cáo cung-cầu tháng 10 ảnh 3

Trong khi đó, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 đã tăng gần 1,5% và ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Ngay sau khi USDA công bố Báo cáo cung-cầu tháng 10, giá đã tăng mạnh và phá thế giằng co trong giai đoạn trước đó. Những số liệu tiêu cực về vụ mùa năm nay của Mỹ tiếp tục là yếu tố đã hỗ trợ giá trong ngày hôm qua.

Trong báo cáo lần này, USDA đã một lần nữa cắt giảm năng suất đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ xuống còn 49,8 giạ/mẫu, thấp hơn kỳ vọng duy trì ở mức 50,5 giạ/mẫu của thị trường. Điều này đã khiến sản lượng giảm xuống còn 4.313 triệu giạ, nhỏ hơn mức 4.381 dự đoán của giới phân tích. Đối với số liệu tồn kho, USDA vẫn duy trì dự báo ở mức 200 triệu giạ, thấp hơn kỳ vọng tăng lên mức 248 triệu giạ của thị trường. Thông tin trên cùng đơn hàng bán 526.000 tấn đậu tương niên vụ 22/23 cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales là yếu tố chính hỗ trợ giá đậu tương trong ngày hôm qua.

Nhờ đà tăng của đậu tương, khô đậu tương cũng đã bật tăng mạnh hơn 2% trong ngày hôm qua. Trong khi đó, dầu đậu cũng nhảy vọt sau báo cáo và xóa đi đà giảm trong phiên sáng.

Nhập khẩu bông nguyên liệu khởi sắc trong tháng 9

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 9 vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 141.480 tấn bông các loại, tương đương với kim ngạch 427,3 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và 5,2% về giá trị so tháng 8. Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 1,06 triệu tấn bông, giảm mạnh 19,4% so cùng kỳ năm 2021, nhưng tăng 21% về giá trị.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may lũy kế 9 tháng đầu năm nay cũng tăng 23,8% so cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 29 tỷ USD.