Duy trì tự do hàng hải, hàng không vì hòa bình và phát triển

Tại Hội nghị lần thứ 32 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đang diễn ra ở New York, Việt Nam khẳng định lại tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. (Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam)
Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. (Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam)

Trong phiên thảo luận ngày 16/6, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ: Với vai trò “Hiến pháp của đại dương”, UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.

Duy trì tự do hàng hải, hàng không vì hòa bình và phát triển -0
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, hòa bình và phát triển của khu vực và quốc tế gắn liền với việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đại sứ nhắc lại quan điểm của Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.       

Ngày 17/6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cùng các Đại sứ Nam Phi, Thụy Điển và New Zealand đồng chủ trì tham vấn dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh. Nghị quyết được xúc tiến dự thảo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế toàn cầu trong phòng, chống và ứng phó dịch, gây tác động nặng nề về kinh tế-xã hội, đảo ngược kết quả thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Việt Nam là thành viên Nhóm nòng cốt tổ chức Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Việt Nam đã tích cực cùng các nước thúc đẩy thảo luận về các biện pháp cải thiện hiệu quả hệ thống y tế toàn cầu, tăng cường trao đổi, chia sẻ những bài học từ đại dịch Covid-19, góp phần nâng cao nhận thức và hành động để sẵn sàng phòng, chống và ứng phó dịch bệnh trong tương lai.