Ngày 26/12, tại thành phố Hạ Long, (Quảng Ninh), Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu ở Hà Nội và Bình Phước.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng tham dự và chủ trì hội thảo có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tối ưu hóa mô hình tổ chức, sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thông
Phát biểu đề dẫn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh là yêu cầu cấp thiết nhằm hình thành một tổ hợp truyền thông thống nhất, tập trung sức mạnh, nguồn lực, các loại hình truyền thông, tối ưu hóa mô hình tổ chức và sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thông, nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Trung tâm, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện đại, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới.
Sau 3 năm (từ ngày 1/1/2019), Trung tâm đã khẳng định là một mô hình phù hợp, sau hợp nhất đã trở thành một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, hòa hợp, vận hành ngày càng nhuần nhuyễn, không chỉ bảo đảm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với công tác báo chí, mà còn giúp đổi mới và tối ưu hóa mô hình tổ chức, quản lý cơ quan báo chí hiện đại trong cơ chế thị trường và kỷ nguyên số… khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh.
“Việc hợp nhất cũng tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành, quản lý, quản trị áp dụng tối đa công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhìn nhận.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, mô hình hợp nhất Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là bước cụ thể hóa các nghị quyết chính sách của Đảng về tinh gọn bộ máy, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả; là yêu cầu tất yếu, phù hợp quy hoạch phát triển báo chí đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xu hướng phát triển của báo chí, khắc phục được tình trạng chồng chéo, tránh được lãng phí về nguồn lực và con người; tăng cường được sức mạnh truyền thông, giải quyết được bài toán kinh tế, tự chủ tài chính, từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ những người làm báo.
“Mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
TS, nhà báo Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử cũng cho rằng, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh rất phù hợp và ngày càng phát huy được hiệu quả trong công tác truyền thông; là một chỉnh thể thống nhất, hòa hợp, từng bước nâng cao được chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí.
“Theo nghiên cứu các mô hình và xu thế phát triển của báo chí hiện đại trên thế giới, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có thể hướng tới trở thành Tập đoàn truyền thông hàng đầu của vùng Đông Bắc trong tương lai”, nhà báo Lê Hải nhận định.
Phát huy hiệu quả truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số
Chia sẻ kinh nghiệm, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho rằng, các tòa soạn, cơ quan truyền thông cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghệ để tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới nhằm phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bi di động. Trong thời đại của công nghệ số, nội dung tốt kết hợp với công nghệ là yếu tố then chốt, quan trọng để tiếp cận độc giả.
“Cần đầu tư cho công nghệ tương xứng với đầu tư cho nội dung báo chí, xây dựng trung tâm công nghệ chuyên trách nghiên cứu, phát triển. Bổ sung các chuyên gia công nghệ thông tin, ưu tiên tuyển dụng nhân sự có ngoại ngữ tốt, yêu thích công nghệ”, nhà báo Ngô Việt Anh gợi ý.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh Lê Ngọc Hân, việc hướng tới trở thành cơ quan báo chí-công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, do đó Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cần hướng tới đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ cũng như hoạt động quản trị lên môi trường số, đẩy mạnh việc áp dụng những công nghệ mới, hiện đại… Theo đó, Sở cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số áp dụng cho tỉnh Quảng Ninh cũng như các cơ quan trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, Báo Nhân Dân tăng cường đổi mới, sáng tạo, mang đến một “diện mạo mới” cho tờ báo, mở rộng hướng tới đối tượng độc giả trẻ.
Từ tháng 5/2021, Báo Nhân Dân hằng ngày đã phát hành trên mạng bản PDF nhằm tăng độ tiếp cận đến đồng bào vùng sâu, vùng xa mà không bị phụ thuộc vào kênh phát hành vật lý. Đặc biệt, trong mùa dịch vừa qua, để tăng cường phục vụ độc giả trong thời gian giãn cách, Báo Nhân Dân đã ra mắt kênh Radio Nhân Dân trên nền tảng Podcast, đến nay, kênh này đã ra thêm 2 bản tin hằng ngày vào buổi sáng và buổi tối. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng tăng cường tiếp cận độc giả trên những nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… đạt những hiệu quả rất khả quan.
Nhấn mạnh báo chí dữ liệu là xu hướng phát triển của báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đầu tư mạnh mẽ và có những sản phẩm rất “ưng ý” và “cầu kỳ”.
“Chỉ trong vài tháng, Báo Nhân Dân đã đi từ số 0 đến cấp cao nhất về báo chí dữ liệu tại Việt Nam hiện nay”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh và cho biết, một trong những trụ cột phát triển của Báo Nhân Dân thời gian tới là trở thành trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Về xu hướng chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, Báo Nhân Dân có chiến lược rất rõ ràng trong 10 năm tới, đó là đổi mới và phát triển trở thành cơ quan báo chí-công nghệ (media-tech), đặc biệt chú trọng việc sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích độc giả, thu thập dữ liệu độc giả (first party data). “Điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được với digital”, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định và cho rằng, chuyển đổi số trước hết cần thay đổi về tư duy và vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng.
Đề cập các xu hướng như “báo chí giải pháp”, “báo chí chậm”, nhà báo Lê Quốc Minh lưu ý, thời gian tới, báo chí cần tập trung cho các nội dung chuyên sâu, tăng cường tính chuyên nghiệp.
Đối với trường hợp của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Ninh, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, để phát triển tốt hơn trong thời kỳ mới, trước hết Quảng Ninh và các cơ quan thuộc tỉnh cần phát huy những thế mạnh nội tại, từ đó tìm ra hướng đi phù hợp để thích ứng với chuyển đổi số.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận chung quanh các vấn đề: về quản lý, điều hành, sắp xếp, tổ chức bộ máy và thay đổi phương thức hoạt động sau hợp nhất của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; về vận hành tòa soạn hội tụ, phát huy hiệu quả truyền thông trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; về vấn đề tự chủ chi thường xuyên, hoạt động kinh tế báo chí và đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động báo chí.