Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 (bão Conson) đang tiến nhanh vào bờ, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch toàn bộ diện tích hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, ngập lụt.
Dẫn chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa đang vào thời chín rộ của các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phong, ông Đặng Công Đào, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Hầu như toàn bộ diện lúa hè thu của Đà Nẵng đều tập trung ở Hòa Vang, với gần 2.100 ha.
Mỗi năm, vào mùa mưa các cánh đồng đều bị ngập lụt, có nơi sâu hơn 2 mét. Từ ngày 8/9, khi bão số 5 bắt đầu vào Biển Đông và dự báo gây mưa lớn cho các tỉnh miền trung, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huy động 56 máy gặt, kêu gọi các lực lượng quân đội, công an, dân phòng… hỗ trợ bà con nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín.
Việc huy động người dân, các lực lượng giúp dân phải bảo đảm nghiêm các quy định phòng chống dịch. Xã, thôn nào thiếu máy móc thì Phòng Nông nghiệp điều tiết từ địa bàn khác đã thu hoạch xong đến hỗ trợ. Chủ phương tiện, người điều khiển máy gặt, đóng bao… được phòng y tế cử người đến lấy mẫu xét nghiệm trước khi ra đồng.
Lực lượng vũ trang ưu tiên hỗ trợ người dân thu hoạch lúa ở những khu vực bị phong tỏa, diện tích lớn, khó huy động nhân lực. Chính quyền từng thôn, xã, cán bộ phòng nông nghiệp… được phân công theo từng địa bàn, từng cánh đồng, thông báo cụ thể cho bà con về thời gian thu hoạch, bố trí lực lượng kiểm soát người ra đồng bảo đảm giãn cách, 5K, hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt công tác chống dịch.
Trò chuyện với chúng tôi ngay cạnh thửa ruộng đang thu hoạch, bà Thi Thị Hoa, người dân thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, dù lúa chưa chín lắm, nhưng nếu không gặt ngay, tối nay và ngày mai mà mưa to, ngập úng là coi như mất ít nhất một nửa sản lượng. Còn nếu mưa kéo dài vài ngày thì mất trắng nên có máy gặt là cho gặt ngay, đưa lúa về nhà để bảo đảm an toàn.
Đang hối hả xúc lúa phơi trên đường bê tông nội đồng cho vào bao đưa về nhà ông Lê Đại, người dân thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong gạt mồ hôi nói: Mưa tới nơi rồi hai cha con ông tranh thủ đưa lúa về, lúa này gặt từ hai ngày trước, phơi cũng tạm thời khô, để thêm vài ngày chờ qua bão lại phơi tiếp. Những ngày này, gần như toàn bộ bà con nông dân ở các thôn, xã đều ra đồng, người nào thu hoạch xong, đưa lúa về rồi thì hỗ trợ người chưa xong làm nhanh để đỡ thiệt hại.
Tại xã Hòa Bắc, xã duy nhất chưa có dịch kể từ đầu tháng 5 tới nay, để bảo đảm an toàn, từ chiều 8/9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân sự của huyện, của xã ra đồng cùng nông dân thu hoạch lúa vụ hè thu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang, chỉ trong hai ngày, phần lớn diện tích lúa vừa chín tới đã được thu hoạch xong. Bà con nông dân rất phấn khởi và yên tâm để chằng chống nhà cửa sẵn sàng ứng phó với diễn biến xấu của mưa bão.
Theo ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đến chiều tối ngày 10/9, hơn 85% diện tích lúa hè thu của huyện đã được thu hoạch, phần lớn trong só đó đã được phơi ráo, có thể để trong nhà vào ngày không bị nảy mầm. Số còn lại chừng hơn 100 ha, chủ yếu ở những chân ruộng cao, ít bị ngập nước sẽ được thu hoạch sau khi bão số 5 kết thúc.
* Nghệ An, Hà Tĩnh thu hoạch nhanh vụ lúa hè thu chạy bão số 5
Xã Hồng Lộc (Lộc Hà) huy động máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.
Tính đến chiều 10/9, trên các cánh đồng ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn khoảng 25 nghìn ha lúa hè thu chưa được thu hoạch. Trước diễn biến khó lường của bão số 5, bà con nông dân hai tỉnh đang huy động nhân lực, phương tiện xuống đồng gặt lúa để chạy bão.
Dưới tác động của bão Côn Sơn, diễn biến thời tiết trong những ngày tiếp theo ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ hết sức khó lường.
Để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang sẵn sàng phương án sơ tán dân bảo đảm an toàn trường hợp xảy ra bão mạnh, đồng thời chạy đua với thời gian đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu.
“Xanh nhà hơn già đồng”
Sáng 10/9, tại các xứ đồng Làng Bắt và Khu Bù thuộc xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có khá đông người và máy gặt đang hối hả thu hoạch lúa. Chị Nguyễn Thị Thể ở xóm 2 khoe: Chỉ một loáng, hơn 2,5 sào lúa máy đã gặt xong, giờ mẹ con tôi tranh thủ phơi cho được nắng.
Anh Nguyễn Văn Hòa (xóm 3), chủ nhân của đám ruộng bên cạnh, rộng hơn tám sào cho biết, tuy lúa còn xanh, mới chín được gần 70% nhưng gia đình cũng quyết định thuê máy gặt chạy bão, còn hơn là mất trắng. Anh Hòa còn cho biết thêm: Chờ mất gần buổi sáng, giờ mới có máy gặt. Gặt về, lúa phơi được một nắng là yên tâm rồi.
Xóm trưởng xóm 2 Đậu Văn Hiến cho biết, tính đến sáng nay, toàn xóm mới thu hoạch được 10/43 ha lúa. Với quan điểm, “xanh nhà hơn già đồng”, mặc dù lúa mới chín được 70-75% nhưng bà con vẫn quyết định thu hoạch sớm. Nếu cứ đà này, tổ chức cho máy gặt xuyên đêm, thì đến trưa mai, toàn bộ diện tích lúa của xóm sẽ được thu hoạch xong.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Hoàng Anh Tiến cho biết: Liên tục trong những ngày qua, huyện đã huy động gần 100 máy gặt để thu hoạch lúa hè thu và đến nay đã thu hoạch được gần 80% diện tích. Tuy nhiên, trong số gần 1.000 ha lúa còn lại thì mới có hơn nửa diện tích lúa chín được 70% nằm ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Tây… có thể thu hoạch được và đang được huyện chỉ đạo, huy động thêm máy gặt xuống để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch gọn ngay trong ngày mai. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các địa phương thu hoạch gọn các loại cây trồng khác nằm ở vùng thấp trũng.
Đồng hành gặt lúa chạy bão cùng bà con xã Hồng Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh), từ mờ sáng 10/9, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Hà đã có mặt tại cánh đồng ngập nước thôn Yên Giang (Hồng Lộc).
Trung tá Nguyễn Thành Nam, Chính trị viên phó (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Hà) cho biết, ngoài tiêu chí ưu tiên hỗ trợ các gia đình neo đơn, chính sách thu hoạch lúa thì những cánh đồng nằm ở vùng trũng, nơi lúa bị ngập nước hoặc đổ ngã không thể gặt được bằng máy, chúng tôi sẽ huy động tối đa nguồn nhân lực đến giúp bà con.
Bên cạnh Lộc Hà, trên khắp cánh đồng ở Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh…, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên đã đồng loạt xuống đồng giúp dân gặt lúa chạy bão. Nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, huy động tổng lực nguồn nhân lực và phương tiện thu hoạch lúa hè thu, tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được 88,4% diện tích lúa hè thu (tương đương 40 nghìn ha).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Sáu, bên cạnh việc chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thích hợp, trước thời điểm mưa lũ, huyện đã tích cực kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và khoảng 15 đầu mối thu mua nhỏ trên địa bàn để mua lúa tươi tại chân ruộng nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ lẫn áp lực phơi sấy cho bà con. Cùng đó, huyện cũng liên hệ với các chủ máy sấy để chủ động kế hoạch hỗ trợ bà con trong điều kiện mưa lũ khẩn cấp.
Sẵn sàng chống úng cho lúa
Tại huyện lúa Quỳnh Lưu, để đối phó với bão số 5, ngoài việc kêu gọi toàn bộ hơn 1.100 chiếc tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, huyện đã huy động các lực lượng và hơn 70 máy gặt hoạt động ngày đêm nên đến nay toàn bộ gần 5.000 ha lúa hè thu đã thu hoạch gọn. Tuy nhiên, còn khoảng 2.000 ha lúa mùa ở vùng cao bán sơn địa đang còn xanh chưa thể thu hoạch được.
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Bộ cho biết: “Vấn đề gay nhất là là Quỳnh Lưu còn khoảng 1.000 ha rau các loại chưa đến kỳ thu hoạch, nếu mưa nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng mưa to thì dễ hư hỏng…”.
Tương tự, tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), địa phương mới chỉ thu hoạch được 1/3 diện tích lúa hè thu, các giải pháp khơi thông dòng chảy, chống úng cứu lúa đang được địa phương triển khai rốt ráo. Trưởng phòng Nông nghiệp Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 6/2021, hơn 1.000 ha diện tích lúa hè thu trên địa bàn phải gieo cấy lại. Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, bám sát đồng ruộng kịp thời tháo nước, khơi thông dòng chảy, không để lúa ngập úng dài ngày.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho thấy, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 66 nghìn ha và đã thu hoạch được hơn 70% diện tích. Đến nay, các huyện phía bắc tỉnh như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu… đã thu hoạch gọn. Hiện, các huyện khác đang huy động lực lượng và máy gặt để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch chạy mưa bão.
Tuy nhiên, do nhu cầu máy gặt nhiều nên ở một số nơi xảy ra tình trạng thiếu máy gặt cục bộ. Điều bà con lo lắng nhất lúc này là lúa gặt về gặp khó khăn khi phơi và bảo quản; nếu không phơi được một, hai nắng hay sấy kịp thời, gặp trời mưa to, kéo dài sẽ nảy mầm, hư hỏng.
Huyện Diễn Châu thời điểm này đã triển khai trồng khá nhiều diện tích cây vụ đông, do vậy, nếu bão số 5 đổ bộ vào địa bàn thì sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây trồng. Theo lãnh đạo huyện Diễn Châu, đáng lo nhất hiện nay đối với cơn bão số 5 là 1.800 ha ngô vụ đông đang giai đoạn 5 - 6 lá và 900 ha lạc đang thời kỳ ra hoa. Nếu bão đổ bộ vào, kèm theo mưa lớn, thì hàng nghìn ha cây trồng này sẽ bị ảnh hưởng hư hỏng.
Dự báo trong vài ngày tới, do ảnh hưởng bão số 5, Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to, đến rất to, nên các địa phương phải tiếp tục tăng cường lực lượng và máy gặt để đẩy nhanh tiến độ việc thu hoạch gọn lúa hè thu và cây trồng khác là hết sức cần thiết.
Cùng với đó, các địa phương cần huy động tối đa phương tiện, máy móc để bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa có thể bị ngập, đổ ngã dưới tác động của bão và hoàn lưu bão. Ngoài ra, đề nghị các công ty thủy lợi có giải pháp tiêu úng nhanh, chống gập cho vùng nội đồng vì vẫn còn khoảng 10% lúa hè thu còn quá xanh chưa thể thua hoạch được.
* Nông dân Quảng Nam gấp rút thu hoạch lúa trước bão
Người dân phải kết hợp gặt thủ công với gặt máy để tránh thiệt hại do mưa bão.
Những ngày qua, người dân Quảng Nam ra đồng, khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu trước khi bão số 5 ập đến, nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nghe tin bão số 5 đang diễn biến phức tạp và có thể gây ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung, nên sáng sớm hôm nay (10/9), người dân vùng trọng điểm lúa ở Quảng Nam như: Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc… tranh thủ trời nắng ráo, đưa máy tuốt, máy gặt ra đồng thu hoạch các chân ruộng hè thu vừa chín tới.
Những năm gần đây, khi có máy gặt đập liên hợp, người dân các vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam không phải gặt và tuốt lúa bằng thủ công như trước nữa.
Thế nhưng, do mấy hôm nay, lúa chín rộ, việc chờ máy gặt đến ruộng mình lâu quá, rất nóng ruột, nên ông Huỳnh Ngọc Hồng ở Tổ 2, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình cùng nhiều người dân nơi đây phải thu hoạch lúa bằng thủ công.
“Gặt và tuốt lúa bằng tay, không nhanh bằng máy. Nhưng nếu cứ chờ người ta đưa máy gặt đến ruộng mình thì sợ mưa gió ập về, thiệt hại nặng, nên nhiều người phải gặt bằng tay là vậy”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Đoàn Thanh Khiết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo sạ hơn 7.380 ha lúa. Đến nay, người dân trong huyện đã thu hoạch được hơn 6.000 hecta và còn khoảng 1.300 ha nữa cũng đang khẩn trương thu hoạch.
UBND huyện cũng đang lên phương án, nếu thời tiết diễn biến bất lợi, nơi nào, lúa đã chín tới mà thu hoạch không kịp, thì chính quyền địa phương sẽ huy động lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung kích... xuống hỗ trợ người dân thu hoạch lúa nhằm hạn chế thiệt hại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Trương Xuân Tý cho biết, năm nay, tỉnh Quảng Nam gieo sạ hơn 41 nghìn ha lúa hè thu. Trong đó, 36.627 ha lúa nước tập trung ở vùng đồng bằng và hơn 4.780 ha lúa rẫy ở khu vực vùng tây của tỉnh. Đến nay, bà con nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 28 nghìn hecta lúa nước và hơn 1 nghìn hec ta lúa rẫy.
Hiện các địa phương trong tỉnh đang huy động các lực lượng giúp người dân nhanh chóng thu hoạch số diện tích còn lại để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Cùng với việc khẩn trương giúp nhân dân thu hoạch lúa, tỉnh Quảng Nam còn chỉ đạo các địa phương trong tỉnh nhanh chóng thu hoạch loại cây trồng, hoa màu... đã đến kỳ; đồng thời thực hiện các biện pháp chống ngã đổ, ngập úng đối với cây ăn quả và bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi...