Thời tiết lạnh, làm sao phòng bệnh cơ xương khớp?

NDO -

Trong mùa lạnh, bệnh lý cơ xương khớp thường đau tăng hơn. Lý do là bệnh nhân ít vận động, thời tiết lạnh gây ra hiện tượng co cơ, dịch khớp đặc quánh lại. Thoái hóa khớp trước đây thường cho là bệnh lý của người có tuổi, nhưng gần đây tỷ lệ người trẻ mắc cũng không ít.

PGS, TS Nguyễn Mai Hồng khám cho bệnh nhân.
PGS, TS Nguyễn Mai Hồng khám cho bệnh nhân.

Đây là thông tin được PGS, TS Nguyễn Mai Hồng, nguyên Trưởng khoa Cơ Xương Khớp – BV Bạch Mai, BS chuyên khoa Cơ Xương Khớp – BVĐK Phương Đông chia sẻ tại hội thảo "Bước tiến mới trong điều trị thoái hóa khớp gối" do Bệnh viện đa khoa Phương Đông tổ chức.

Liệu pháp mới để điều trị thoái hóa khớp

PGS, TS Nguyễn Mai Hồng cho biết, bệnh xương khớp là một trong những bệnh lý không những gặp ở người có tuổi mà hiện nhiều người trẻ cũng mắc. Trong bệnh lý cơ xương khớp, một số bệnh lý có thể gặp là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, đau cột sống thắt lưng… thoái hóa khớp hay gặp nhất. Không những ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới.

Về độ tuổi thoái hóa khớp trẻ hóa, BS Hồng cho biết, nguyên nhân chủ yếu được cho có thể do lối sống tĩnh tại như ngồi một chỗ làm việc kéo dài khiến dịch khớp không lưu thông, dây chằng xung quanh cứng lại.

Cộng với đó, chế độ dinh dưỡng nhiều người ăn kiêng, nhất là bạn nữ ăn kiêng giữ dáng là một trong những yếu tố làm giảm bổ sung thành phần trong ổ khớp, dẫn tới thoái hóa khớp sớm.

Đối với thoái hóa khớp, trước đây chưa có nhiều biện pháp điều trị dứt điểm cho tình trạng đau, viêm và thường sử dụng thuốc chống viêm, thuốc uống hoặc tiêm tại chỗ. Tuy nhiên, thuốc chống viêm chỉ giải quyết những triệu chứng đau ở thời điểm đó mà không điều trị tận gốc thoái hóa khớp.

Gần đây, có một số liệu pháp mới để điều trị thoái hóa khớp như liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Đây là liệu pháp sử dụng máu của chính bệnh nhân sau đó tách phần tiểu cầu kích hoạt nhiều yếu tố tăng trưởng để làm lành những tổn thương ở trong ổ khớp cũng như làm tăng tế bào sụn khớp đã bị thoái hóa, tạo ra tế bào lành. Ngoài ra cũng có những liệu pháp hỗ trợ khác như tập vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng để phối hợp điều trị bệnh hiệu quả.

Thời tiết lạnh, làm sao phòng bệnh cơ xương khớp? -0
 PGS, TS Nguyễn Mai Hồng trình bày tại hội thảo.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu hiện được áp dụng khá nhiều ở chuyên ngành khác không chỉ chuyên ngành khớp. Trong chuyên ngành khớp, điều trị bệnh lý thoái hóa khớp về các điểm bám gân như viêm các điểm bám gân ở khuỷu tay, cổ tay, cạnh cột sống hoặc có những biểu hiện như đứt dây chằng.

Đây là phương pháp duy nhất có khả năng tái tạo mô sụn. Tiêm PRP không chỉ điều trị các triệu chứng mà còn ngăn chặn biến chứng gây biến dạng khớp, giúp phục hồi chức năng vận động, tạo bước tiến mới – mang tính đột phá trong điều trị thoái hoá khớp gối và một số bệnh lý cơ xương khớp.

BS Hồng cho biết, phương pháp này không gây ra biến chứng. Đặc biệt, độ tương thích 100% do sử dụng hoạt chất từ chính cơ thể. Kỹ thuật thực hiện đơn giản không cần can thiệp phức tạp, giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như bệnh tăng độ. Liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu rất tốt vì có thể làm lành những tổn thương dây chằng tại ổ khớp. Ngoài ra, người ta cũng đã có những nghiên cứu làm liền những tổn thương gẫy xương.

“Hiệu quả của phương pháp này toàn diện, không chỉ kiểm soát được cơn đau, triệu chứng mà còn hiệu quả cả về mặt phục hồi mô sụn. Đây là ưu điểm mả các phương pháp nội khoa khác không thể làm được. Bệnh nhân không gặp tác dụng phụ nào và không cần ở lại viện”, BS Hồng nói.

Đối với một số bệnh lý khác như đái tháo đường có những tổn thương loét, bệnh mắt… liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu cũng làm lành các tổn thương ở bệnh lý này.

Theo BS Hồng, kỹ thuật này rất đơn giản. Bệnh nhân có thể đến bệnh viện lấy máu tách chiết sau đó tiêm vào các ổ khớp, các điểm bám gân. Bệnh nhân có thể ra viện ngay trong ngày. Thời gian thực hiện chỉ vài giờ đồng hồ và gần như không gặp tác dụng phụ như đau tăng, nhiễm trùng, biểu hiện toàn thân khác…

BS Hồng cho biết, dấu hiệu báo trước thoái hóa khớp là biểu hiện đau tăng khi vận động. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu cứng khớp (15 – 30 phút), lục cục khớp gặp rất nhiều. Với thoái  hóa khớp tổn thương ở sụn khớp, dịch khớp giảm tiết, các đầu xương cọ vào nhau gây dấu hiệu lục cục khớp.

Thoái hóa khớp khác với các bệnh lý khác thường dấu hiệu toàn thân không có gì đặc biệt. Bệnh nhân không sốt, không gầy sút, đau thường âm ỉ… Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chụp X-quang, siêu âm khớp. Trong một số trường hợp có thể thực hiện chụp cộng hưởng từ. 

Thoái hóa khớp nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm sẽ dẫn tới tổn thương khớp nặng hơn, sụn khớp mỏng đi, dính khớp khiến bệnh nhân không đi lại được.

Sai lầm trong điều trị thoái hóa khớp

BS Hồng khuyến cáo, nhiều người mắc bệnh khớp nhưng lại không đi viện thăm khám, điều trị, tự ý mua thuốc nam, thuốc bắc uống. Tuy nhiên, trong một số thuốc bắc, thuốc nam có chứa corticoid.

Chính thành phần này có thể giảm đau thời điểm đó tốt nhưng tác dụng phụ của thuốc rất nguy hiểm như gây tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, phù toàn thân… do tác dụng của corticoid. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị khớp lại tái  lại đau kèm các tác dụng phụ.

Thời tiết lạnh, làm sao phòng bệnh cơ xương khớp? -0
 Chụp X-quang chẩn đoán thoái hóa xương khớp.

Ngoài ra, có những bệnh nhân lại đi tiêm khớp ở những cơ sở không chuyên khoa dẫn tới nhiễm khuẩn khớp. Không ít trường hợp nhiễm khuẩn khớp gây nhiễm trùng toàn thân, thậm chí tháo khớp.

Trong giai đoạn viêm khớp có đau khớp nhiều hoặc tràn dịch khớp, nhiều bệnh nhân lại tập đi bộ. Thực ra, tập đi bộ gây tải trọng lên khớp dẫn tới tình trạng nặng hơn.

"Với thoái hóa khớp tập phải làm sao làm giảm tải lên bề mặt của khớp như các bài tập tốt là đạp xe, bơi để giãn cơ tránh hiện tượng đau do co thắt dây chằng quanh khớp. Những người béo tải trọng lớn đi bộ nhiều càng làm mòn sụn khớp đi gây thoái hóa khớp sớm. Chính vì vậy khi điều trị thoái hóa khớp ở những người béo, giảm cân là chỉ định đầu tiên để điều trị", BS Hồng nói.

Để phòng thoái hóa khớp, BS Hồng khuyến cáo mọi người phải chú ý có chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đủ canxi, tập những bài tập phù hợp với bệnh nhân để làm chắc những cơ quanh khớp, tránh những động tác mạnh thay đổi đột ngột làm chấn thương khớp.

Với những bệnh nhân thoái hóa khớp chườm nóng có thể có chỉ định được. Tuy nhiên, với trường hợp có viêm khớp hoặc bệnh lý viêm khớp dạng thấp, gout… không được chườm nóng vì càng kích thích tăng sinh các mạch máu gây viêm nặng. Việc bôi những thuốc làm nóng tại khớp cũng kích thích viêm.