Nghệ sĩ vi-ô-lông Khắc Huề: Tài năng và lao động bền bỉ

Nghệ sĩ vi-ô-lông Khắc Huề: Tài năng và lao động bền bỉ

Tôi quen nghệ sĩ vi-ô-lông Khắc Huề từ những năm 1966, khi chiến tranh nổ ra ở miền bắc đã thấy anh trong đoàn "xung kích" đem tiếng đàn, tiếng hát về tận các thôn, xóm và trận địa pháo cao xạ ở Hà Tĩnh. Rồi tiếp đến vừa giải phóng miền nam tôi được nghe Khắc Huề, nghệ sĩ vi-ô-lông đầu tiên của Việt Nam, biểu diễn concerto mi thứ của F.Mendelson cùng phần đệm của dàn nhạc giao hưởng do Trọng Bằng chỉ huy. Ðêm diễn làm tôi ngây ngất nhưng nhớ nhất vẫn là bài Tzigane - Rhapsodie của nhạc sĩ P.De Sarasate.

Bẵng đi một thời gian dài vì anh được Nhà nước cử đi thực tập ở Budapest (Hungary) (1978-1982). Bỗng nhiên đêm đêm người ta thấy nghệ sĩ vi-ô-lông Khắc Huề lại xuất hiện đều đều trong các buổi diễn của CLB thính phòng. Hội trường nhỏ ở 51 Trần Hưng Ðạo đã trở thành địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn cho những người yêu âm nhạc không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế. Cán bộ và khách mời của các đại sứ Ấn Ðộ, Thái-lan, Pháp, Ðức, Nhật Bản... đã rất hâm mộ tiếng đàn vi-ô-lông ngọt ngào của nghệ sĩ Khắc Huề.

Nếu làm một con số thống kê từ tháng 8-1988, nghĩa là từ khi CLB nhạc Thính phòng được khai trương đến nay (2007), đã có đến hàng nghìn buổi biểu diễn và khán giả phải lên tới hàng vạn người.

Tình cờ tôi đến chơi nhà, nghệ sĩ Khắc Huề và vợ là ca sĩ Thúy Nga đã đưa tôi xem một bọc danh thiếp và thư cảm ơn của khách quốc tế ghi lại những cảm tưởng tốt đẹp về những gì họ đã cảm thụ được ở các đêm nhạc thính phòng. Chính vì sự ngưỡng mộ đó mà nhiều khi CLB của Khắc Huề lại phải "bưng" đi diễn dã ngoại ở Nam Ðịnh, Hải Phòng... Có những đại sứ, như Ðại sứ Australia, đã tổ chức một đêm diễn ngay tại sứ quán và mời tất cả đại sứ các nước ở Hà Nội cùng đến nghe. Có những tham tán sứ quán như Ấn Ðộ, Thái-lan mê tiếng đàn của anh và đã trực tiếp nhờ anh dạy thành công. Hiện nay, ở Hà Nội, nhiều gia đình yêu âm nhạc đã gửi con em mình nhờ nghệ sĩ Khắc Huề dạy dỗ và uốn nắn...

Nghệ sĩ Khắc Huề xứng đáng với danh hiệu NSƯT (1984), là nghệ sĩ vi-ô-lông đầu tiên của Việt Nam được phong tặng. Tôi nghĩ cuộc đời của nghệ sĩ cũng như cuộc chạy ma-ra-tông đường trường. Có lẽ Khắc Huề là một nghệ sĩ trong số nghệ sĩ đạt đích về nhất chẳng những về tài năng mà còn bằng một sự lao động bền bỉ. Chính vì vậy mà các nghệ sĩ như Phan Phương, Trần Hải, Quốc Ðông đã cùng anh gắn bó, xây dựng cho chương trình "Khúc hát trữ tình" được kéo dài 19 năm nay.

Gia đình nghệ sĩ Khắc Huề ngoài anh ra còn chín thành viên nữa đang hoạt động, học tập vi-ô-lông trên khắp mọi nơi: Khắc Uyên ở Ðức; Khắc Quân, Sinh Xô ở Mỹ; Sầm Thi ở Anh... Ðiều đặc biệt là ở đâu họ cũng làm cho tiếng đàn vi-ô-lông vang lên gây được ấn tượng xa hơn để cùng hội nhập với âm nhạc quốc tế.

Vừa qua, nghệ sĩ vi-ô-lông người Mỹ W.Bang đã sang làm phim và gặp gỡ nghệ sĩ Khắc Huề. Hai người đã trao đổi và biểu diễn thành công những tác phẩm vi-ô-lông của Việt Nam và quốc tế.

Cho đến nay những đêm cuối tuần ta vẫn thấy ánh đèn rực sáng ở căn phòng 51 Trần Hưng Ðạo và người yêu âm nhạc vẫn cứ lần lượt kéo về CLB Thính phòng với đủ mọi tầng lớp, mọi quốc tịch...