Đọc sách Tháng ngày mê mải của Lê Ngọc Sơn

Lê Ngọc Sơn đến với văn chương bằng một cơ duyên tự nhiên như anh đã thừa nhận: “Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi thấy tôi thuộc về một điều gì đó rất khác, rất quen thuộc mà ngay lúc này tôi chưa xác định được”, người viết nhận ra bản thân-một Sơn của ký ức, một Sơn của những rung động tâm hồn trong trẻo. Vì thế mà anh không thể không viết Tháng ngày mê mải, cuốn sách gần 200 trang của Nhà xuất bản Văn học mới ra mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Đọc sách Tháng ngày mê mải của Lê Ngọc Sơn

Đọc Tháng ngày mê mải, chúng ta thấy Sơn đi dọc miền ký ức bằng đôi chân trần của một cậu bé và tâm hồn nhạy cảm của một tài năng. Sách không dày nhưng vẫn được phân định rõ ba phần.

Ở phần một, với tên gọi Phố xưa - bạn cũ là hành trình của cậu bé nhớ về quãng thời gian gần mười năm mẹ đi làm xa, ba bố con trải qua những vất vả, nhưng vô cùng thú vị. Tình cảm gia đình cứ thế được nhân lên và đặc sắc nhất là: “Nhớ hình ảnh ông đội nồi cơm trên đầu, mình trần bơi đi tìm chỗ không ngập để nấu cơm giữa mênh mang biển nước”. Cho đến khi cậu đã trở thành chàng sinh viên với cái giường gỗ, chiếc đồng hồ bị kẻ xấu chiếm đoạt cùng những sự va vấp khác...

Phần hai là Những cung đường tuổi trẻ, dẫu Lê Ngọc Sơn chưa đi nhiều, nhưng anh đã điểm danh những: Tà Năng- Phan Dũng, Pù Luông, Hà Giang..., đó là con đường hình thành một cái “tôi”, là hành trình tìm đường của tháng năm tuổi trẻ: “Cung đường sáng hôm sau đúng thật gian nan, thử thách bởi sương mù và đường trơn trượt.

Đoạn gần đỉnh núi thậm chí chỉ còn vài khóm trúc nhỏ xíu để bám víu vào. Mới hôm qua còn được ngắm đỗ quyên giữa bạt ngàn xanh mát trong vạt nắng chiều vàng dịu khi nhìn về phía Lai Châu, sáng nay chỉ còn sương giăng mịt mù. Lầm lụi leo từng bước một, mãi tới gần 10 giờ sáng, chúng tôi như vỡ òa sung sướng khi nghe những người đi trước nhất bất ngờ reo lên, “tới rồi, tới rồi!” (Tôi leo núi).

Phần ba của cuốn sách dẫu mang chủ đề Tôi đi tìm tôi, song thực chất là một cuộc phiêu lưu rất xa cả bằng đôi chân và những ý nghĩ. Chúng ta gặp một Lê Ngọc Sơn với những kỷ niệm ở Anh, ở Nhật Bản, bằng diện mạo tâm hồn của một người đàn ông đã trưởng thành.

Chàng trai xứ Thanh viết đơn giản và tự nhiên một cách kỳ lạ. Hình như anh không ngại, cứ thế kể những gì mình biết nhưng lại khéo léo đến mức không để lộ những khúc chiết của tư duy.

Ký ức của một người hay một gia đình không phải là chuyện quá to tát, nhưng khi người viết biết kể một cách chân thực, khơi gợi ký ức của một thế hệ thì trang viết ấy bỗng dưng chất chứa một thông điệp: Chắc bạn cũng sẽ như tôi. Trong chừng ấy bài viết, có gần có xa, có kỷ niệm trẻ con, trải nghiệm người lớn, nhưng có lẽ điều làm nên sức hấp dẫn của Sơn là những hồi ức thật trong trẻo và ấm áp thuở thơ bé hiển hiện ở mỗi người.

Thời xa vắng ấy đều có trong mỗi chúng ta và chỉ với ai yêu cuộc sống này tha thiết sẽ thấy đó là tất cả những gì ý nghĩa nhất của một gia đình. Chúng ta sẽ an nhàn, no ấm hơn và cũng sẽ chìm đắm trong sự già nua, quên lãng nếu như không tự “ghim” lại cho mình những trang hồi ức của cuộc đời.