Đó là lý giải của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh, khi quyết định chọn bề mặt thô ráp đầy ma lực của loại giấy truyền thống làm chất liệu chuyên chở những tác phẩm trừu tượng biểu hiện với bút pháp đương đại tự do đầy cuốn hút, trong cuộc triển lãm mang một cái tên ngắn gọn: “Giang”.
Nghe kể chuyện “Giang”
Giấy Giang gắn với địa danh Pà Cò - một bản người H’Mông vùng cao thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đây là vật phẩm vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa của tộc người này.
Tấm giấy Giang dán lên bức vách đối diện cửa chính minh định một không gian thờ cúng của gia chủ. Vào ngày Tết truyền thống, trên giấy Giang vẽ bùa chú đính kèm lông gà trang trí bàn thờ tổ tiên. Giấy Giang dán lên vật dụng như lá bùa bảo hộ ngăn ma quỷ quấy nhiễu hay được cắt nhỏ thành tiền âm phủ để đốt cho người đã khuất.
Đời sống tâm linh của người H’Mông không thể thiếu đi hình bóng của tờ giấy Giang - sợi dây gắn kết giữa người sống với người chết, nhịp cầu kết nối con cháu với tổ tiên. Bởi thế, tờ giấy bao gói cả đức tin, thái độ thành kính cùng sự trân trọng của người làm ra, chuyển tải cả niềm hoan lạc, sự xác tín với cảm thức về thế giới vĩnh hằng mang lại sự an nhiên, mưa thuận gió hòa cho cư dân, làng bản.
Dù ban đầu, nghề làm giấy Giang chỉ để phục vụ nhu cầu cúng tế, lễ bái của từng gia đình nói riêng, của một cộng đồng cư dân nhỏ bé nói chung nhưng ít năm trở lại đây, Giang đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới nghệ sĩ tạo hình và trở thành một chất liệu sáng tác đặc biệt quyến rũ. Độ thấm, độ loang đầy biến ảo tạo nên những hình khối, mảng màu đầy ngẫu hứng khác biệt giúp giấy Giang tương hợp với đa dạng chất liệu, từ tự nhiên đến công nghiệp. Giang gợi mở, kích thích các họa sĩ tung tẩy thử nghiệm, với biên độ sáng tạo không giới hạn.
Trước cuộc “đổ bộ” với 25 tác phẩm khổ lớn mang tên “Giang”, công chúng yêu mỹ thuật đã từng được chiêm ngưỡng những bức tranh sử dụng chất liệu mực và acrylic trên giấy Giang trong triển lãm “Làng” của họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn, ngắm hơn 20 bức họa kết hợp lụa cùng giấy Giang ở cuộc trưng bày mang tên “Vùng sống” của Nguyễn Văn Trinh. Cây cọ nữ Thu Trần bồi giấy Giang, bột giấy Giang lên toan để tạo bề mặt bền vững làm nền cho chất liệu tổng hợp như màu nước, acrylic, sơn mài.
Phạm Hà Hải dành niềm say mê đặc biệt cho giấy Giang, khi cho ra đời rất nhiều tranh trừu tượng giá trị đậm chất phương Đông, đậm đặc màu Thiền trên cái nền thô ráp nguyên sơ đầy bí ẩn. Đặc biệt, màu nước trên giấy Giang đã trở thành chất liệu sáng tác xuyên suốt được họa sĩ nổi tiếng người Peru - Nicolás Lopéz lựa chọn, trong cuộc trưng bày mang tên “Ngôn ngữ của nước” diễn ra cuối năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Và nghe “Giang” kể chuyện
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh biết đến loại giấy này từ năm 2020. Lên với Pà Cò, xem dân bản thu lượm cây giang, chế biến thủ công và “đổ giấy” bằng kỹ thuật độc đáo, ông đã ngay lập tức bị mê hoặc, khi ngắm nhìn “xơ của thân cây quện với bột ngâm của lá tạo nên bề mặt thô ráp, hoang dã tự nhiên đầy ma lực. Mặt giấy thay đổi theo ánh sáng như những tầng thiên nhiên huyền bí, vẻ đẹp mờ ảo xuyên qua những tia nắng như không ngừng sáng tạo trong thế giới viễn tưởng huyền hoặc”.
Ông tâm sự, “nghệ sĩ luôn đam mê tìm tòi sự mới lạ mà về bản chất, Giang chính là cái mới, hàm chứa sự sáng tạo không ngừng ngay trên mặt giấy. Đứng trước mặt toan bồi giấy Giang, tôi cảm giác giấy hòa hợp với mình làm một, chỉ cần nương theo những xúc cảm đầy ngẫu hứng mà nó tạo ra là có thể bay bổng sáng tạo không ngừng”. Và trái ngọt mà ông thu được là 25 tác phẩm, cùng tên “Giang” (chỉ khác số thứ tự), cùng thời gian sáng tác (từ 2020 đến 2024), cùng chất liệu (tổng hợp) và cùng một kích cỡ (170 cm x 150 cm) đã mang lại những xúc cảm thẩm mỹ mới mẻ đầy hấp dẫn cho công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô.
Có vẻ như Giang là mối duyên tiền định, khi “Nguyễn Mạnh Quỳnh nghe được lời mách bảo của người xưa ẩn trong đồ vật và tranh thờ làm từ loại giấy này”. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, “con mắt mới của ông được đánh thức, cứ tự do lạc bước vào muôn nẻo của biểu hiện trừu tượng và ngôn ngữ siêu hình của thế giới tâm linh. Để rồi Nguyễn Mạnh Quỳnh hồn nhiên thêm duyên mà nên nghiệp”.
Có vẻ như Giang đã tạo tiền đề, để người họa sĩ có được một triển lãm thành công.
Có vẻ như Giang đã tạo tiền đề, để người họa sĩ có được một triển lãm thành công. Như cảm nhận của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, “điều quan trọng là Nguyễn Mạnh Quỳnh đã hiểu được Giang, hiểu được bản chất cùng những chuyển động bí ẩn của Giang và hiểu được sự tương đồng giữa bản chất của Giang (chất liệu) và thế giới bên trong mà ông đang kiếm tìm không gian để nó hiện ra”.
Để từ đó, “Giang và màu đã mở ra những vẻ đẹp cổ xưa với những câu chuyện như cổ tích, như huyền thoại. Còn hình và nét đã làm ra vẻ đẹp hiện đại. Những bức tranh của Nguyễn Mạnh Quỳnh đã dẫn tôi qua những thời đại khác nhau, theo một hành trình tuần tự: cổ xưa-hiện đại-tương lai và ngược lại”.
Sau “Giang”, những bức tranh trừu tượng trên giấy Giang vẫn là lộ trình sáng tạo nghệ thuật mà người họa sĩ dự định đi tiếp. Nguyễn Mạnh Quỳnh thổ lộ, mong muốn lớn nhất là tăng được giá trị thương phẩm cho giấy Giang, để người dân Pà Cò có thể cải thiện thu nhập. Một tờ giấy khổ 170 x 150 cm mà ông sử dụng có giá thành 25 nghìn đồng, chất lượng cao hơn hẳn mới mang lại 50 nghìn đồng.
Trong khi thời gian từ lúc cây giang được chặt về đến khi trở thành tờ giấy kéo dài tới 5-6 tháng, công sức bỏ ra quá lớn mà hiệu quả kinh tế chẳng đáng bao nhiêu. Người Pà Cò không kinh doanh giấy Giang, nhưng nếu cái bắt tay đặt hàng của giới mỹ thuật khiến họ có động lực sản xuất nhiều hơn, với chất lượng “tinh” hơn thì đó cũng là cách thức hữu hiệu giúp bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, để gìn giữ và trao truyền lại cho thế hệ mai sau một sản phẩm văn hóa-tâm linh vô giá, giấy Giang!.