Một số dự án điển hình để mất rừng, như tại huyện Đức Trọng, dự án của Công ty TNHH Vĩnh Tuyên Lâm (49,31 ha), số tiền yêu cầu bồi thường hơn 22,8 tỷ đồng; dự án Công ty CP đầu tư và du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (hơn 139 ha), yêu cầu bồi thường hơn 6,6 tỷ đồng. Tại huyện Bảo Lâm, dự án của Công ty CP Nam Nam (43,5 ha), UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi toàn bộ dự án, yêu cầu bồi thường hơn 9,9 tỷ đồng; dự án của Công ty TNHH An Nguyễn (31,45 ha), đã thu hồi dự án, yêu cầu bồi thường hơn 11,9 tỷ đồng. Tại huyện Lạc Dương, dự án của Công ty TNHH thương mại-dịch vụ-xuất nhập khẩu Võ Hà Lê (44,01 ha), đã thu hồi dự án, yêu cầu bồi thường hơn 20,7 tỷ đồng; dự án của Công ty TNHH Ngọc Mai Trang (21,65 ha), UBND tỉnh đã thu hồi dự án, yêu cầu bồi thường hơn 12,4 tỷ đồng… Và dự án của Công ty TNHH sản xuất-thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh (tại huyện Đạ Tẻh; diện tích 110,99 ha), với số tiền yêu cầu bồi thường lớn nhất, hơn 69,8 tỷ đồng.
Số tiền bồi thường được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC, ngày 26-5-2008, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP, ngày 28-3-2007 của Chính phủ, về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng. Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn về thu tiền bồi thường, hiện mới chỉ thu hồi được khoảng 10%.
“Theo quy trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán diện tích rừng bị thiệt hại, chuyển hồ sơ sang Sở Tài chính để áp đơn giá, giá trị và tham mưu ra văn bản bồi thường. Tuy nhiên, chỉ ra văn bản thông thường nên khó trong việc thu hồi tiền bồi thường. Còn việc giải tỏa “nóng” cây trồng, vật kiến trúc trên đất lâm nghiệp là phải theo quy trình, quy định”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Võ Danh Tuyên cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay, tỉnh đã thu hồi 189 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên tổng diện tích 28.218 ha. Cụ thể, các dự án bị thu hồi toàn bộ là 157, diện tích 25.324 ha. Trong đó, dự án du lịch sinh thái là 45/11.259 ha, trồng rừng 49/8.782 ha, nông lâm kết hợp 30/3.537 ha, nuôi cá nước lạnh 7/444 ha và các loại dự án khác là 26/1.302 ha. 32 dự án bị thu hồi một phần, với diện tích 2.803 ha.
Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có 321 doanh nghiệp/386 dự án được giao, thuê đất, thuê rừng để triển khai thực hiện dự án, với tổng diện tích 57.209 ha. Những năm gần đây, đoàn công tác liên ngành đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, đề nghị xử lý kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm 42 công chức không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý.