Xây dựng, phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch KKT cửa khẩu Lào Cai bao gồm địa giới hành chính của ba phường, 24 xã; một thị trấn thuộc TP Lào Cai và bốn huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai, diện tích gần 16 nghìn ha. Mục tiêu xây dựng KKT cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai, sẽ là KKT cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ, một trong những trung tâm giao thương khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng của quốc gia.

PV

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng

Ngày 4-5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công bố Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030 và đường tham chiếu rừng.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% (12,3 triệu ha năm 2010) lên 41,19% (14 triệu ha năm 2016), trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả các sáng kiến về rừng và REDD+ mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực chung của toàn xã hội, ngành lâm nghiệp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế để phát huy hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng…

PV

Đường sắt trên cao Hà Nội chậm tiến độ do phía Trung Quốc chưa chuyển tiền

Chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường chủ trì họp kiểm điểm tiến độ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông và chuẩn bị phương án vận hành khi đi vào khai thác thương mại. Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, tiến độ xây lắp phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ hiện bị chậm do thiếu vốn và vướng mắc thủ tục hải quan trong nhập khẩu thiết bị,... Đến nay, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) vẫn chưa chuyển tiền từ khoản vay 250,62 triệu USD đã ký giữa Chính phủ hai nước để giải ngân. Để bảo đảm đến quý II-2018 đưa công trình vào khai thác thương mại như kế hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, nhất là về vốn; xây dựng trình tự thanh toán nhanh các khối lượng thi công hiện trường, bao gồm cả thanh toán cho nhà thầu phụ. Tổng thầu EPC Trung Quốc phải khẩn trương xây dựng quy trình vận hành, khai thác tuyến để chuyển giao, hướng dẫn cho nhân công Metro Hà Nội trong giai đoạn vận hành thử.