Nhiều quốc gia đang đau đầu tìm “phương thuốc giảm đau” cho nền kinh tế, nhằm hạn chế rủi ro và duy trì đà phục hồi.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột ở Ukraine, cùng với việc Nga và phương Tây trừng phạt lẫn nhau được cho là một phần nguyên nhân khiến giá cả tăng. Đây cũng là những yếu tố có thể cản trở tiến trình phục hồi sau đại dịch trên khắp thế giới. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định:
Những diễn biến tại Ukraine có thể làm giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn một điểm phần trăm. Tác động này nếu kéo dài sẽ tạo ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng ở Nga và đẩy lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu lên xấp xỉ 2,5 điểm phần trăm. Những thiệt hại về kinh tế còn có thể cảm nhận rõ ở các quốc gia châu Âu, do châu lục này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô, thực phẩm và năng lượng từ Nga và Ukraine.
Trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng, các nước có biên giới chung với Nga hoặc Ukraine sẽ hứng chịu tác động mạnh nhất về kinh tế, tiếp đó là các nước phụ thuộc nguồn cung năng lượng và thực phẩm từ Nga. Giới chuyên gia Đức lo ngại, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể giảm mạnh, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay cả khi không có xung đột, nền kinh tế Đức đã được dự báo bị thu hẹp trong quý đầu tiên của năm 2022. Với tình hình hiện tại, xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý II.
Những tác động đối với thị trường lao động phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung năng lượng của Nga cho Đức. Nếu Nga dừng cung cấp năng lượng, tình trạng giảm việc làm ở Đức là khó tránh khỏi. Thiệt hại kinh tế đối với nước Đức trong trường hợp này sẽ không thấp hơn nhiều so với đại dịch Covid-19.
Trước tình hình này, các chuyên gia cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu Đức ngừng nhập khẩu dầu khí, nguyên liệu thô và ngũ cốc từ Nga, đồng thời kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về mức 0% để hỗ trợ nhanh chóng cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Nền kinh tế Anh cũng đối mặt khó khăn lớn từ tình trạng giá năng lượng tăng cao. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất lên 0,75% trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần thứ ba liên tiếp BOE tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Theo BOE, lạm phát dự kiến sẽ lên khoảng 8% vào tháng 4 tới. BOE cũng cảnh báo lạm phát có thể còn cao hơn vào thời điểm cuối năm. Quyết định của BOE được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Tại châu Á, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, giữ nguyên các “đòn bẩy” chính sách quan trọng, trong đó lãi suất ngắn hạn âm 0,1% và lãi suất dài hạn duy trì ở mức gần bằng 0% để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%. BOJ cũng có kế hoạch tiếp tục mua trái phiếu chính phủ không giới hạn và lượng cổ phiếu trị giá lên tới 12.000 tỷ yen (101 tỷ USD) mỗi năm.
Lạm phát bán buôn của Nhật Bản trong tháng 2 vừa qua lên 9,3%, mức cao nhất trong 41 năm qua. Lạm phát tiêu dùng cũng dự kiến tăng hơn 2% sau tháng 4 tới. Giá hàng hóa tăng cao đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp, làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh các nước đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế, các chính phủ được khuyến nghị có thể giảm tác động đối với nền kinh tế bằng “hỗ trợ tài khóa có mục tiêu”, mà không thúc đẩy giá cả tăng nhanh hơn. Giới chuyên gia cũng khuyến cáo các ngân hàng trung ương tiếp tục các chính sách trước khủng hoảng khi ứng phó với sự bất ổn định liên quan tình hình xung đột tại Ukraine.