“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt

NDO - Chương trình hòa nhạc nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia “Phượng Linh” của nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền vừa khép lại với những dư âm như một bữa tiệc tràn ngập sắc màu của ánh sáng, âm nhạc và những nhạc cụ thật đặc biệt lần đầu tiên góp tiếng trong một buổi hòa nhạc trên sân khấu lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền tại đêm diễn.
Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền tại đêm diễn.

“Phượng Linh” là đêm nhạc do nghệ sĩ vĩ cầm Trịnh Minh Hiền tổ chức, với sự góp mặt của khách mời đặc biệt là nghệ sĩ piano nổi tiếng người Italia Maurizio Mastrini. Đêm nhạc là sự kiện cuối cùng của kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia (1973-2023) trong năm nay.

Đêm nhạc mở đầu với hai bản quốc thiều Việt Nam và Italia được hai nghệ sĩ chơi bằng nhạc cụ quen thuộc của mình. Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền kéo vĩ cầm bản quốc thiều Italia, còn nghệ sĩ Maurizio Mastrini gõ những nốt nhạc hào hùng của bản “Tiến quân ca” trên những phím đàn của cây dương cầm Yamaha CFX trị giá đến 7,5 tỷ đồng.

Đêm nhạc có thể coi là một bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng, những giai điệu và cảm xúc thăng hoa của các nghệ sĩ. Từ những khách mời như ca sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam, ca sĩ opera Trịnh Thanh Bình, cello Hà Miên, nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang…, ai cũng có những giây phút thăng hoa trong cuộc hội ngộ âm nhạc giữa phương Tây và phương Đông, giữa miền nhạc Phượng và miền nhạc của Rồng (nghệ sĩ Maurizio Mastrini sinh năm Giáp Thìn).

“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt ảnh 1

Vincent Fillatreau, Trịnh Minh Hiền và Ngọc Anh.

Mỗi một ca khúc được lựa chọn trong chương trình là thể hiện một chặng đường trên hành trình cùng cây vĩ cầm chinh phục khán giả của Trịnh Minh Hiền. Từ bản mash-up “Inh lả ơi” và “Chiếc khăn piêu” dưới sự thể hiện của Trịnh Minh Hiền qua cây vĩ cầm, kết hợp với tiếng sáo trúc và đàn môi biến ảo của nghệ sĩ Ngọc Anh đã mang đến sắc thái hoàn toàn khác cho hai ca khúc quen thuộc này.

Bản “Ơi M’đrak” là sự thăng hoa của nữ nghệ sĩ khi kết hợp với tiếng đàn guitare điện tử của nghệ sĩ người Pháp Vincent Fillatreau. Tiếng vĩ cầm và tiếng guitar hòa quyện, làm nên sự mạnh mẽ của Tây Nguyên, của đại ngàn.

6 ca khúc đầu tiên trong phần 1 “Miền nhạc Phượng” đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một “Phượng Linh” mang âm hưởng dân gian, đầy chất phiêu diêu từ cả tiếng đàn lẫn phong thái biểu diễn của Trịnh Minh Hiền. Một “Con cò” của Lưu Hà An vừa quen vừa lạ qua tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Lệ Giang và tiếng cello của nghệ sĩ Hà Miên, và tiếng violin của Trịnh Minh Hiền “cất cánh” từ trên nền nhạc ấy.

“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt ảnh 2

Nghệ nhân trống Thuận Ngọc Vũ Linh trình diễn cùng Trịnh Minh Hiền.

Một trong những bản nhạc gây ngạc nhiên nhất là “Tiếng trống Paranưng”, khởi đầu với một giọng hát đầy cô liêu, và kết thúc bằng một màn trình diễn thật đặc biệt. Đó là màn trống Paranưng thật của nghệ nhân trống Thuận Ngọc Vũ Linh bay ra từ Ninh Thuận, trực tiếp chơi tại đêm nhạc. Và có lẽ phải đến đêm nhạc này, nhiều người mới biết được hình ảnh thật sự của chiếc trống Paranưng.

“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt ảnh 3

Những cá tính âm nhạc trên cùng một sân khấu.

Đêm diễn còn có sự hiện diện đặc biệt của ca sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam. Khi Thanh Lam xuất hiện, cả khán phòng bùng nổ tiếng hò reo và vỗ tay. Khó có thể hình dung rằng, một cá tính mạnh mẽ, với giọng ca lúc nào cũng bùng nổ năng lượng như Thanh Lam lại hòa quyện được với một sự bùng nổ khác cũng mạnh mẽ không kém là tiếng đàn của Trịnh Minh Hiền.

Một điều đặc biệt khác, là ca khúc “Đá trông chồng” của Thanh Lam được trình diễn trên nền nhạc của đàn guitar điện tử từ nghệ sĩ Vincent Fillatreau và tiếng kèn sona của nghệ sĩ Ngọc Anh - cây kèn đám ma. Nếu không được giới thiệu trước, không ai hình dung được cây kèn ấy lại tạo nên được những giai điệu đầy sức hút như vậy trong một tiết mục âm nhạc.

“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt ảnh 4

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Mạnh trình diễn chuông xoay.

Nếu như “Đá trông chồng” là sự bùng nổ mãnh liệt của Thanh Lam, thì ở ca khúc “Cây đời” lại là sự nhẹ nhàng, dịu dàng, như dòng chảy của thiền định. “Đá trông chồng” là cây kèn sona của Ngọc Anh, còn “Cây đời” lại là những âm thanh từ sự tĩnh tại từ bộ chuông xoay của nghệ nhân Nguyễn Tiến Mạnh. “Phượng Linh”, và “Cây đời” là hai ca khúc do Trịnh Minh Hiền sáng tác, đã tạo dấu ấn đậm nét với khán giả từ thanh âm, giai điệu cho đến phong cách biểu diễn. “Cây đời” cũng là điểm nhấn của phần 3 “Đường bay” với ý nghĩa để âm nhạc cất cánh…

“Phượng Linh”: Bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và những nhạc cụ đặc biệt ảnh 5

Nổi bật nhất trong chương trình, và cũng được mong chờ nhất là màn trình diễn của nghệ sĩ, danh cầm Italia Maurizio Mastrini. Ông xuất hiện với một vẻ bề ngoài làm ngạc nhiên bất cứ khán giả nào: một bộ vest hồng rực rỡ và đôi chân trần.

Maurizio Mastrini từng nói “Hãy để âm nhạc lên tiếng”, vì thế toàn bộ phần 2 “Những nụ hôn của rồng” do ông trình diễn chỉ có tiếng đàn piano, và màn trình diễn ánh sáng giản dị nhất có thể minh họa cho mỗi tiết mục của ông.

Không chỉ chinh phục khán giả bằng những ngón đàn điêu luyện, Maurizio Mastrini còn khiến cả khán phòng ồ lên ngạc nhiên với những tràng pháo tay rộn rã khi ông rời khỏi phím đàn, trực tiếp “chơi nhạc” bằng thân đàn, thành đàn, dây đàn… tất cả những bộ phận còn lại của cây đàn. Khi kết thúc phần trình diễn của mình, Maurizio Mastrini rất tự nhiên, đã xoay người lại phía khán giả tự chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ với khán giả Việt.

“Phượng Linh” đã thực sự trở thành một “bữa tiệc” âm nhạc đối với khán giả tại Nhà hát Tuổi trẻ trong đêm diễn. Trịnh Minh Hiền đã vẽ nên một giấc mơ tràn ngập năng lượng của loài chim phượng hoàng, loài chim luôn tái sinh từ tro tàn và lửa.