Những điều đặc biệt trong chương trình “Phượng Linh” của nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền

NDO - Đêm nhạc “Phượng Linh” của nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền có nhiều điều đặc biệt: Lần đầu tiên hai nghệ sĩ Việt Nam và Italia trình diễn quốc thiều hai nước như một tiết mục nghệ thuật, trình diễn tranh, mời nghệ nhân trống pa-ra-nưng đến chơi trực tiếp, nhà thiết kế Hùng Việt làm riêng trang phục cho các nghệ sĩ tham gia chương trình.
0:00 / 0:00
0:00
Trịnh Minh Hiền ngẫu hứng trong bản "Mùa hè" của Vivaldi.
Trịnh Minh Hiền ngẫu hứng trong bản "Mùa hè" của Vivaldi.

Trịnh Minh Hiền là cái tên quen thuộc đối với những ai yêu mến dòng chảy âm nhạc từ cây vĩ cầm. Cô là một trong số những nghệ sĩ chơi nhạc cụ trong dòng nhạc cổ điển luôn tìm cách tự làm mới mình và đưa âm nhạc từ cây đàn vĩ cầm đến gần hơn với công chúng.

Trịnh Minh Hiền cũng là nghệ sĩ hiếm hoi ở Việt Nam tham gia những chương trình hợp tác âm nhạc đình đám: Cô được nghệ sĩ piano nổi tiếng của Italia Maurio Mastrini mời tham gia tour lưu diễn kéo dài 2 tuần ở nhiều thành phố, đảo tại Italia. “Phượng Linh” chính là album nhạc đã được cô trình diễn trong chuyến lưu diễn này.

Ngoài ra, đêm 3/12 tới, cô đã mời Maurio Mastrini lần đầu tiên sang Việt Nam chơi đàn tại đêm nhạc “Phượng Linh”, sự kiện âm nhạc độc đáo được Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) lựa chọn là sự kiện khép lại năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Italia-Việt Nam.

Trước đó, Trịnh Minh Hiền còn là nữ nghệ sĩ vĩ cầm Việt Nam đầu tiên và duy nhất được trình diễn solo trong đêm hòa nhạc Valentine "From Italy with Love" do Đại sứ quán Italia tổ chức vào tháng 2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Với tính chất đặc biệt quan trọng, cho nên Trịnh Minh Hiền đã chuẩn bị cho “Phượng Linh” những điều thật đặc biệt.

Những điều đặc biệt trong chương trình “Phượng Linh” của nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền ảnh 1

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền.

Nữ nghệ sĩ cho biết, “Phượng Linh” là sự kết hợp giữa Rồng và Phượng (Maurio Mastrini sinh năm Giáp Thìn), là cuộc gặp gỡ âm nhạc của hai nghệ sĩ phương Đông và phương Tây.

Maurio Mastrini sẽ chơi những tác phẩm của riêng ông, với cá tính của ông, và Trịnh Minh Hiền cũng chơi ‘miền nhạc” của mình nhưng vẫn có sự hòa hợp giữa hai nghệ sĩ, tạo nên nét đặc biệt cho đêm nhạc. Đó là hai bản quốc thiều Việt Nam và Italia được chơi như một tác phẩm nghệ thuật qua màn trình diễn của hai nghệ sĩ. Trịnh Minh Hiền sẽ chơi bản quốc thiều của Italia, còn Maurio Mastrini chơi quốc thiều Việt Nam.

Đặc biệt, Maurio Mastrini sẽ chơi trên chiếc dương cầm Yamaha CFX trị giá đến 7,5 tỷ đồng. Đây là cây đàn thuộc dòng đàn nổi tiếng nhất của Yamaha, được xem là cây đàn chuẩn mực trong dòng đàn hoà nhạc, nổi bật với thanh âm mạnh mẽ, dải âm sắc rộng, rõ nét, sắc sảo nhưng vẫn rất trong trẻo.

Đêm nhạc còn có sự tham gia của một cá tính âm nhạc khác, đó là NSƯT Thanh Lam, thể hiện hai ca khúc do Trịnh Minh Hiền sáng tác là “Cây đời”, và “Đá trông chồng”.

Các khách mời khác gồm họa sĩ Lê Thanh Sơn (thể hiện biểu tượng chim Phượng), NSƯT đàn bầu Lệ Giang, ca sĩ opera Trịnh Thanh Bình, nghệ sĩ guitar/viola người Pháp Vincent Fillatreau, nghệ sĩ cello Hà Miên, nghệ sĩ sáo trúc Ngọc Anh, nghệ sĩ chuông xoay Nguyễn Tiến Mạnh, nghệ sĩ múa đương đại Hà Tứ Thiên... sẽ cùng đem đến những màu sắc khác biệt cho “Phượng Linh”.

Toàn bộ các nghệ sĩ sẽ mặc trang phục của nhà thiết kế Hùng Việt, kể cả NSƯT Thanh Lam. Trịnh Minh Hiền cho biết, ca sĩ Thanh Lam sẽ mặc trang phục tối giản, phù hợp với cá tính âm nhạc của chị, thậm chí Minh Hiền còn thuyết phục Thanh Lam đi chân đất trình diễn. Hai ca khúc “Cây đời” và “Đá trông chồng” sẽ được Thanh Lam thể hiện trong hai phong cách âm nhạc khác nhau. Bản “Cây đời” được thể hiện trên nền nhạc chuông xoay lần đầu tiên góp mặt trên một sân khấu âm nhạc, do nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh thực hiện. Còn “Đá trông chồng” được chơi bằng bản phối kinh điển với tiếng kèn soma của nghệ sĩ Ngọc Anh.

Chương trình gồm một số bản nhạc quen thuộc như “Ơi M’Drak”, “Chiếc khăn piêu”, “Tiếng trống Paranưng”, cùng một số ca khúc do Trịnh Minh Hiền sáng tác. Mỗi một tác phẩm là một sáng tạo của nữ nghệ sĩ, khi phối hợp cùng các nhạc cụ khác như kèn, guitare hoặc chơi trên nền bản phối nhạc dân tộc.

Về phần hình ảnh, đạo diễn Xuân Trường xây dựng một hình ảnh đêm nhạc lấy cảm hứng từ con chim phượng rực rỡ, với hệ thống đèn làm nổi bật sự lung linh của con phượng.

Một nghệ sĩ duy nhất không liên quan đến âm nhạc được mời tham dự đêm diễn là họa sĩ Lê Thanh Sơn. Anh thể hiện bức tranh con chim phượng dành riêng cho “Phượng Linh”. Trịnh Minh Hiền kể lại: “Anh Lê Thanh Sơn là một trong những họa sĩ vẽ tranh đắt hàng nhất ở Việt Nam. Anh đã ngừng vẽ một thời gian, nhưng khi nhận lời mời tham gia chương trình của tôi, anh đã dành thời gian nghe nhạc của tôi, và vẽ riêng cho tôi hình ảnh một con phượng mà anh hình dung”. Họa sĩ Lê Thanh Sơn cũng vẽ tặng nghệ sĩ Maurio Mastrini một bức tranh về những cảm nhận của anh về nước Ý.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền cũng cho biết, chương trình còn có những tác phẩm hội họa riêng, được thể hiện trực tiếp trên sân khấu, trên nền tấm vải lụa 45m2. Để có được tấm vải lụa này, nghệ sĩ cũng đã phải đặt hàng rất kỳ công.

“Phượng Linh” với sự đầu tư công phu về chất lượng nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, được Trịnh Minh Hiền kỳ vọng là một bữa tiệc của âm nhạc và màu sắc thực sự, dành cho một dịp kỷ niệm đặc biệt: kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Italia-Việt Nam.

Đêm nhạc “Phượng Linh” diễn ra vào 20 giờ ngày 3/12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.