Phú Yên nỗ lực phòng, chống cháy rừng

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng, ngành kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng trong mùa khô năm nay...
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập PCCCR tại huyện miền núi Đồng Xuân.
Diễn tập PCCCR tại huyện miền núi Đồng Xuân.

Tại huyện miền núi Đồng Xuân vừa diễn ra cuộc diễn tập PCCCR năm 2023.

Theo ông Lê Văn Bé, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cuộc diễn tập là một trong những hoạt động tăng cường công tác PCCCR trong mùa khô năm nay.

Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu cho biết, đơn vị này quản lý hơn 1.800ha đất, rừng phòng hộ ven biển, với chiều dài hơn 40km theo tuyến giao thông liên huyện đi qua nhiều khu vực dân cư. Khu vực này được xem là vùng trọng điểm trong công tác PCCCR. Ngoài ra, diện tích hơn 10.000ha đất, rừng vùng đồi núi tiếp giáp với nương rẫy, khu sản xuất nông nghiệp, đường sá đi lại khó khăn cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng.

Theo ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sông Cầu, hiện nay trong khu vực thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, với địa hình trải dài từ vùng đồi núi đến vùng ven biển, với nhân lực của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách hạn chế…, do vậy ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án PCCCR chi tiết, khoa học, chủ động, thay đổi tư duy quản lý, tổ chức theo phương thức "quản lý dựa vào cộng đồng".

Đặc biệt từ tháng 3 trở đi, công tác PCCCR được Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu chú trọng và đưa vào chuyên đề trọng tâm thực hiện theo phương châm: Phòng là quan trọng, chủ động là chính, phối hợp là giải pháp then chốt.

Ông Lê Văn Bé cho biết thêm: Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đều phối hợp các cơ quan chức năng lập đoàn công tác kiểm tra, tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Mới đây, đoàn tiến hành kiểm tra tại tám xã, phường/bảy huyện, thị xã và sáu đơn vị chủ rừng (thuộc ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và một công ty trồng rừng).

Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy, đối với rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương, người trồng hầu hết chưa thực hiện việc tạo đường băng cản lửa, chỉ tận dụng đường băng trắng từ đường vận chuyển, tuy nhiên chiều rộng cũng không đủ điều kiện an toàn.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, hầu hết, các đơn vị đều xây dựng ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR; tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR; tuy nhiên chưa thống nhất về tên gọi chung của ban chỉ huy ở địa phương các cấp.

Một số chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã rà soát, bổ sung, xây dựng phương án PCCCR trong năm 2023 nhưng một số phương án khi kiểm tra vẫn chưa hoàn chỉnh, sơ đồ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy trong phương án thể hiện chưa phù hợp. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình, cá nhân xây dựng phương án PCCCR trong năm 2023 toàn tỉnh không cao. Phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCCCR của UBND cấp xã chủ yếu là công cụ thô sơ như dao, rựa, cuốc... và số lượng ít.

Phú Yên nỗ lực phòng, chống cháy rừng ảnh 1
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, tại khu vực rừng trồng xã Hòa Định, huyện Phú Hòa.


Một yếu tố quan trọng trong công tác PCCCR tại Phú Yên là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCCR. Theo ông Phan Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), địa phương xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được sử dụng lửa trên diện tích rừng trong địa phận của xã. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh nhân lực, vật chất còn nhiều khó khăn.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sông Cầu cho biết cụ thể: Quản lý rừng, chủ động PCCCR dựa vào cộng đồng là phương thức sẻ chia lợi ích từ rừng, đưa giá trị thực tiễn của rừng vào cuộc sống của mỗi cư dân, mỗi gia đình để họ thấy rõ giá trị của rừng đến cuộc sống thực tại, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp, sức mạnh tự nguyện của người dân trong công tác PCCCR. Tổ quản lý rừng cộng đồng thông qua khoán bảo vệ rừng, tổ hạt nhân tích cực trong cộng đồng đã được thành lập.

Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền trực tiếp 117 lượt/2.859 người dân tham dự; vận động 520 hộ dân sống ở gần rừng và ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; phát trên đài truyền thanh xã 64 lượt (gồm các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa) và ít nhất hai lần/tháng (đối với các huyện còn lại).

Các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tuyên truyền với nhiều hình thức khác như: Phát trên loa lưu động tám lượt, phát 3.210 tờ rơi tuyên truyền cho người dân, đóng 250 bảng cấm lửa và bảng cấm, chặt phá rừng.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên tăng cường thông tin, truyền thông về các nội dung quan trọng liên quan công tác bảo vệ rừng và PCCCR, góp phần nâng cao ý thức cho người dân; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng hằng ngày khi cơ quan chuyên môn thông tin cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trong thời kỳ cao điểm…

Ngành kiểm lâm Phú Yên xác định trên địa bàn toàn tỉnh vùng trọng điểm có khả năng cháy rừng là 63.762,22ha trên tổng số 253.671,68ha rừng trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó cấp cháy I (vùng ít nguy hiểm): 444,43ha, cấp cháy II (vùng nguy hiểm trung bình): 1.366,09ha, cấp cháy III (vùng nguy hiểm): 11.790,56ha, cấp cháy IV (vùng rất nguy hiểm): 25.600,66ha, cấp cháy V (vùng cực kỳ nguy hiểm): 24.560,48ha. Trong số này có những địa phương có diện tích lớn, cần sự quan tâm và theo dõi chặt chẽ như: huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, thị xã Sông Cầu...