Phú Yên: Hơn 30.000 con tôm hùm và cá chết do ảnh hưởng mưa bão

NDO - Người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng do hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt ở một hộ nuôi. Theo thống kê ban đầu, ngư dân thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh hưởng mưa bão tôm hùm nuôi tại thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại nặng.
Ảnh hưởng mưa bão tôm hùm nuôi tại thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại nặng.

Tình trạng tôm hùm và cá nuôi chết xảy ra đột ngột từ ngày 10/8 thuộc vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu. Theo thống kê ban đầu đã có 29.240 con tôm hùm các loại tại 200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại ở 185 lồng nuôi của 18 hộ nuôi bị chết, đến ngày 11/8, tình trạng tôm hùm, cá chết không còn xảy ra.

Theo Chi cục thú y tỉnh Phú Yên, tình trạng tôm hùm và cá chết xảy ra đột ngột, trong thời gian ngắn và không có dấu hiệu bệnh lý, mà nguyên nhân là ảnh hưởng cơn bão số 2 trong những ngày qua đã làm xáo trộn tầng đáy cộng thêm trầm tích hữu cơ lâu năm tích tụ do chất thải của hoạt động nuôi trồng nên các loại khí độc ở tầng đáy thoát ra khiến tảo độc phát triển từ đó làm tôm, cá chết đột ngột vì thiếu ô-xy, ngạt khí độc.

Cũng cần nói thêm, tháng 10/2021, ngư dân khu phố này cũng đã thiệt hại nặng vì tôm sốc nước ngọt chết.Thị xã Sông Cầu cho biết, tỉnh Phú Yên là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước với 58.700 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm với sản lượng mỗi năm đạt 1.050 tấn. Số hộ tham gia nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu là 4.852 hộ.

Chi cục Thú y Phú Yên khuyến cáo người nuôi không nuôi tôm, cá với mật độ dày, sang thưa mật độ nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu ô-xy cục bộ tại lồng nuôi, không tăng số lượng lồng nuôi.

Vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; thường xuyên quan sát môi trường nước vùng nuôi; kiểm tra tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp đưa lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo ô-xy (sục khí, viên tạo ô-xy) để tăng hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước cho thủy sản hô hấp.

Tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, chế phẩm sinh học Bio-EM, khoáng chất... vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh; không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho ăn, quản lý cho ăn tránh dư thừa; thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường.