Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và cơ quan liên quan tiến hành rà soát tổng thể thực trạng, hoạt động, công tác quản lý bến bãi đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Kiên quyết không cấp phép cho các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động theo quy định và xử lý nghiêm các bến bãi hoạt động trái phép còn tồn tại trên tất cả các tuyến sông; đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bến, bãi khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định.
Làm rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong việc quản lý, cấp, thu hồi giấy phép đối với các bến bãi không đủ điều kiện kinh doanh; xử lý dứt điểm, đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm, nhất là đối với các trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, gây bức xúc trong nhân dân.
Qua rà soát, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 97 bến hàng hóa ở trên 5 tuyến sông (sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và sông Bứa), trong đó, có 81/97 bến đang hoạt động, 16/97 bến không hoạt động.
Một bến thủy nội địa ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh đã bị cơ quan chức năng xử phạt do vi phạm các quy định của pháp luật. |
Trong số 81 bến hoạt động có 11/81 bến không phép; 34/81 bến hết thời hạn hoạt động theo quy định; 36/97 bến còn thời hạn và đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị xây dựng kế hoạch xử lý, khắc phục tình trạng các bến thủy nội địa hoạt động chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đây là cơ sở để các sở, ngành tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy nội địa, bảo đảm hoạt động bến bãi đi vào nền nếp, hiệu quả, đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.