Ngày 16/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại.
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Chu Thắng Trung nhận định: Công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam trong thời gian qua được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, kể từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, đối với hoạt động xuất khẩu, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Chu Thắng Trung thông tin: Trong các vụ việc này, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng.
Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (như các mặt hàng: tôm, cá tra basa, một số sản phẩm thép, mật ong...), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada.
Đối với hoạt động nhập khẩu, Bộ Công thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật, đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng 2 biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại.
Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như: mía đường, phân bón, sắt thép, sợi...
Ngoài ra, phòng vệ thương mại cũng là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan.
Ông Chu Thắng Trung cho biết thêm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Bộ cũng đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường.