Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh là tình trạng viêm và mất myelin hệ thống ở dây thần kinh ngoại biên. Bệnh xuất hiện sau 1-3 tuần của giai đoạn nhiễm virus, phần lớn do virus thuộc nhóm Herpes, sởi, hồng ban, thủy đậu, quai bị, ít gặp hơn ở nhóm mắc virus viêm gan A, B. Cũng có thể là do cả vi khuẩn Mycoplasma pneumonine.
Đặc điểm chính của bệnh là các tổn thương viêm và mất myelin từng khoanh đoạn, các đám xâm nhập viêm xuất hiện tế bào miễn dịch tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, khởi đầu là các tế bào lympho nhỏ rồi tới các tế bào lympho hoạt hóa và các đại thực bào. Viêm rễ và dây thần kinh là bệnh tự miễn.
Triệu chứng lâm sàng: Ban đầu ở 50% các trường hợp có thể có rối loạn cảm giác đau. Trẻ rất khó chịu ở các bắp cơ hai chân, có cảm giác tê tê, buồn buồn. Bệnh xuất hiện đột ngột có thể làm liệt 2 chi dưới. Trẻ thường yêu cầu bố mẹ xoa bóp bắp chân, bắp tay. Có trẻ kêu la vật vã rất đau, đau như người lấy kim châm vào chân. Những trẻ này trong quá trình điều trị bác sĩ phải sử dụng thêm thuốc giảm đau. Trạng thái đau này là biểu hiện của tổn thương rễ thần kinh, tổn thương cả dây thần kinh cảm giác.
Biểu hiện liệt có tính chất đối xứng, ví dụ: cẳng tay phải, cẳng tay trái. Liệt chi có thể nhiều hơn, có nhiều trường hợp liệt đồng đều từ ngón tay, chân đến hết cả tay chân. Một vài trường hợp có thể liệt cả dây thần kinh sọ não VII, IX, X. Trong số đó có tới 10-30% số bệnh nhân liệt mềm tiến triển nặng, dẫn đến liệt cơ hô hấp cần phải hô hấp viện trợ.
Hệ thần kinh giao cảm (thần kinh thực vật) bị tổn thương cũng có thể sinh ra nhiều biến loạn tuần hoàn bao gồm loạn nhịp tim, tăng huyết áp và có thể cả hạ huyết áp.
Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn, căn cứ vào tổn thương vận động:
- Giai đoạn cấp: Kéo dài từ 2-30 ngày, trung bình 15 ngày, tính từ lúc có triệu chứng ban đầu đến liệt tối đa.
- Giai đoạn tiếp diễn: Từ khi liệt vận động tối đa đến khi có dấu hiệu bình phục.
- Giai đoạn hồi phục: Từ 15-30 ngày.
Bệnh sử gia đình rất quan trọng để xác định bệnh do di truyền hay rối loạn mắc phải. Thăm khám lâm sàng phải phân biệt được tổn thương ở tế bào vận động của tủy sống hay dây thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương ở bán cầu não. Cần chẩn đoán phân biệt viêm dây thần kinh mạn tính với các bệnh: ép tủy, teo cơ do tủy sống, bệnh viêm đa dây thần kinh do rối loạn miễn dịch, bệnh dây thần kinh di truyền vận động cảm giác, các bệnh thiếu vitamin, tăng urê máu, bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, bệnh nhược cơ, v.v...
Các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có những biểu hiện đi khó khăn, lên xuống cầu thang khó khăn, mỏi, nhức, khó chịu ở tay chân, đau ở chân đến nỗi không tự ngồi, không tự bước... cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa thần kinh để khám và điều trị bệnh kịp thời.
Về điều trị: Phục hồi chức năng vận động cho trẻ là yếu tố quan trọng kết hợp với dùng thuốc. Trong trường hợp trẻ mới chớm bệnh, cần xoa bóp thường xuyên nhiều lần/ngày ở những nơi trẻ thấy đau, có cảm giác tê bì khó chịu, đặc biệt là vào buổi sáng khi trẻ ngủ dậy và ban đêm trước khi trẻ đi ngủ, khuyến khích trẻ cố gắng tập luyện. Nếu ở giai đoạn không còn rối loạn cảm giác đau, cần giúp đỡ trẻ vận động từng bước, động viên trẻ kiên nhẫn luyện tập, có sự hướng dẫn chuyên môn, các bài tập và mức độ tập của các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Điều trị chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng, cần theo dõi sát chức năng hô hấp và khi cần thiết phải chuyển bệnh nhi đến đơn vị điều trị tích cực. Những loại thuốc được sử dụng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Để phòng bệnh: Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, những trẻ có thể lực khỏe mạnh ít mắc phải căn bệnh này. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và nếu có điều kiện nên tiêm thêm những vacxin phòng nhiều loại bệnh khác nữa. Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh giá. Cho trẻ ăn đủ chất đạm, đường, chất béo và vitamin từ rau, quả. Quá trình được nuôi dưỡng chăm sóc tốt không chỉ phòng được bệnh viêm đa rễ thần kinh mà còn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.