Phòng tránh viêm phổi, đột quỵ trong đợt rét đậm, rét hại

NDO -

Thời tiết rét đậm, rét hại là điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn, virus tấn công người cao tuổi, gây khó thở, nhất là trên nền người cao tuổi sức đề kháng kém.

Người cao tuổi nhập viện vì những bệnh lý đột quỵ, viêm phổi do trời lạnh. (Ảnh: H.T)
Người cao tuổi nhập viện vì những bệnh lý đột quỵ, viêm phổi do trời lạnh. (Ảnh: H.T)

Trong đợt rét đậm, rét hại thứ hai của miền bắc từ đầu tháng 2 tới nay, tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi phải nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương có tăng so với trước.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu-Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, những ngày gần đây, khoa kín bệnh nhân chủ yếu vào viện với bệnh lý tai biến mạch máu não, bệnh nhân tổn thương hậu Covid-19 và đặc biệt nổi bật là bệnh lý viêm phổi.

“Trong đợt rét đậm hồi đầu năm, có ngày chúng tôi cấp cứu 30 trường hợp. Riêng mấy ngày lạnh từ cuối tuần qua, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện có tăng nhẹ. Các bệnh nhân vào viện đa số đều trong tình trạng nặng, có nhiều rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng (rối loạn ý thức, hô hấp, rối loạn điện giải, đường máu…). Nguyên nhân là do trời lạnh nên bệnh nhân ngại đi khám, tự theo dõi ở nhà nên không được điều trị kịp thời nên tình trạng ngày càng nặng", bác sĩ Thắng cho hay.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân như vi khuẩn, virus tấn công người cao tuổi, gây khó thở, nhất là trên nền người cao tuổi sức đề kháng kém. Nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền kèm theo khi gặp thời tiết lạnh khả năng thích ứng của cơ thể với nền nhiệt chậm nên dễ lạnh, hầu hết nhập viện trong bệnh cảnh chung khó thở.

Trong số này, có khoảng 1/3 bệnh nhân tổn thương phổi sau Covid-19. Sau khi âm tính với SARS-CoV-2 các triệu chứng về hô hấp không đỡ và lạnh là yếu tố làm tăng thêm sự khó thở.

Khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện các trường hợp này còn viêm phổi kẽ, có người tổn thương xơ hóa hết phổi. “Có trường hợp chỉ đi lại một chút hoặc ngồi trên giường cử động cũng khó thở vì phổi người cao tuổi tổn thương rất nặng nề”, bác sĩ Thắng nói.

Phòng tránh viêm phổi, đột quỵ trong đợt rét đậm, rét hại -0
 Bệnh nhân cao tuổi nằm điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. (Ảnh: H.T)

Theo thông tin từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, những ngày gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận 10-15 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có 2-3 ca nhồi máu cơ tim cấp.

Tuy nhiên, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, khi nhiệt độ lạnh sâu, số ca nhồi máu cơ tim tăng lên gấp đôi. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng tăng 5-10% so ngày bình thường. Có những ca không kịp chờ xét nghiệm phải đi phẫu thuật ngay, bởi với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nếu qua thời gian vàng thì hậu quả có thể tử vong ngay trên bàn mổ vì không được tái thông mạch kịp thời.

Bên cạnh đó, do yếu tố lạnh và sợ Covid-19, nhiều gia đình chậm trễ cho người cao tuổi đi tái khám theo lịch hẹn hoặc khám bệnh lý thông thường. Trong khi đó, người cao tuổi khi mắc bệnh lý hô hấp tiến triển rất nhanh. Có trường hợp bệnh nhân suy hô hấp, vào viện chỉ cấp cứu được lúc đó, nhưng bệnh cảnh rất nặng nề và các bác sĩ không thể làm gì hơn.

Theo các bác sĩ tim mạch, không ít bệnh nhân dấu hiệu khởi phát bệnh từ 5-7 ngày nhưng vẫn không đi khám do lo ngại dịch bệnh hoặc ngại thăm khám trong dịp lễ, Tết… khiến nhiều trường hợp vào đã ngưng tim, phải cấp cứu tuần hoàn, đặt ống khí quản, thở máy… Những trường hợp này, nếu cứu được cũng để lại di chứng nặng nề. Trong khi đó, nếu những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột quỵ não nếu được cấp cứu nhanh, trong thời gian vàng thì tỷ lệ cứu sống cao.

Bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết thêm, ngoài tai biến, đột quỵ, một số bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính, viêm phổi... cũng dễ trở nặng hơn trong điều kiện thời tiết lạnh như hiện nay. 

Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cơ thể cho đối tượng này, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, uống nước đủ và quản lý tốt bệnh lý nền.

Khi nhiệt độ giảm sâu, người lớn tuổi không nên tập thể dục thể thao quá sớm ngoài trời, chỉ nên tập nhẹ nhàng trong nhà… Buổi đêm khi đi vệ sinh hoặc khi thức dậy buổi sáng không tung chăn quá đột ngột khiến chênh lệch nhiệt độ cao, dễ gây đột quỵ.

Khi người cao tuổi có dấu hiệu về bệnh lý hô hấp, cần báo ngay cho gia đình để đưa tới cơ sở y tế kịp thời vì viêm phổi diễn biến nhanh và di chứng nặng nề.

Để được đưa tới cơ sở y tế đúng tuyến, kịp thời, bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi có triệu chứng ho, khó thở, nên làm test nhanh tại nhà cho người cao tuổi. Nếu âm tính, gia đình đưa người bệnh vào bệnh viện có chức năng, chuyên khoa lão. Nếu dương tính, đưa tới cơ sở điều trị Covid-19.

“Các gia đình cần lưu các số điện thoại tư vấn các bác sĩ gia đình hoặc số hotline Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương (0964.158939). Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ 24/24 giờ để tiếp nhận điều trị người cao tuổi kịp thời, tránh việc đưa vào viện chậm trễ”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.