Phòng tránh rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

NDO - Tuổi càng cao, giấc ngủ càng dễ bị rối loạn do nhịp sinh học trong cơ thể thay đổi, bệnh tật, lão hóa tự nhiên… Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi có thể khác nhau ở từng người, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng từ trường. (Ảnh minh họa)
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng từ trường. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Hoài M. (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ. Bà đã đi điều trị bệnh lý tâm thần kinh nhiều năm, đã chuyển nhà tới nơi yên tĩnh hơn, nhưng tình trạng mất ngủ triền miên vẫn không dứt điểm. Mất ngủ, mệt mỏi, thần kinh căng thẳng khiến bà càng rơi vào trầm cảm, khó tính.

Cũng giống bà M., bà Hoàng Thị H. (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết bà ngủ không sâu giấc đêm. Chỉ khoảng 2 giờ sáng, bà đã tỉnh và không thể ngủ lại được. Ban ngày bà cũng không ngủ được giấc trọn vẹn, người luôn không tỉnh táo. Bà trông cháu nhỏ ở nhà, vì thế, lại càng căng thẳng, mệt mỏi.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính (Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), rối loạn giấc ngủ là những bất thường liên quan đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ của người bệnh, bao gồm các vấn đề như mất ngủ, khó ngủ, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc nửa chừng và không thể ngủ lại…

Bác sĩ Đính cho hay, quá trình lão hóa của cơ thể gắn liền với nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có giấc ngủ. Có mấy nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ.

Về rối loạn giấc ngủ nguyên phát, chủ yếu do suy giảm chức năng do lão hóa tự nhiên; chứng ngưng thở hoặc gián đoạn hơi thở khi ngủ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ; chứng chân không yên; hội chứng chân tay cử động trong vô thức (rối loạn tứ chi theo chu kỳ); chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM...

Người cao tuổi có thể gặp rối loạn giấc ngủ do các bệnh lý nội khoa như bệnh về xương khớp gây ra những cơn đau nhức mạn tính xảy ra vào ban đêm, dẫn đến tình trạng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ nông…

Bên cạnh đó, người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về hệ hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn, ho khan kéo dài…), bệnh về đường tiêu hóa (viêm đại tràng, viêm dạ dày, đầy bụng…), bệnh liên quan đến hệ thần kinh (sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…), bệnh về nội tiết (tiểu đường, suy tuyến giáp…), bệnh về tim mạch (hở van tim, rối loạn nhịp tim…). Đây là những bệnh lý có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ của người già.

Một số tác dụng phụ của thuốc cũng gây ra rối loạn giấc ngủ như thuốc lợi tiểu; thuốc kháng cholinergic; thuốc chống trầm cảm; thuốc corticosteroid trị viêm khớp dạng thấp...

Ngoài ra, các vấn đề về môi trường sống ồn ào, thiếu không khí, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp cũng gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn giấc ngủ, người cao tuổi cần trải qua quá trình thăm khám lâm sàng. Nếu kết quả thăm khám lâm sàng chưa đủ cơ sở để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể cần thực hiện các cuộc kiểm tra y khoa như: Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography); đo điện não đồ (EEG); đo độ trễ của giấc ngủ (MSLT); các cận lâm sàng khác: Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp MRI, CT… để chẩn các bệnh lý có thể gây ra triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi bị khó ngủ, mất ngủ nên đi khám để được can thiệp, tránh chủ quan, thỏa hiệp chịu đựng. Đối với những tình trạng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng một số loại thuốc phù hợp. Người cao tuổi được khuyên cần tránh ngủ nhiều vào ban ngày và tập thói quen ngủ đúng giờ vào ban đêm.

Trong các trường hợp chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi xảy ra do bệnh lý, người bệnh cần chữa trị hoặc kiểm soát tốt những bệnh lý này để cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả.

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị bằng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc. Lạm dụng thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giấc ngủ, người cao tuổi cần áp dụng các liệu pháp cải thiện tại nhà, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống đa dạng các nhóm chất, chia nhỏ bữa ăn (khoảng 4 – 6 bữa/ngày), ưu tiên thức ăn dễ nhai nuốt, tiêu thụ nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, muối…

Một số thói quen tốt cho giấc ngủ cần được duy trì điển hình như kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, uống đủ nước, thiết lập thời gian ngủ – thức vào khung giờ nhất định, uống nước hoặc sữa ấm trước khi ngủ, tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên. Đồng thời, cần loại bỏ thói quen tiêu cực gây rối loạn giấc ngủ.

Người cao tuổi có thể bổ sung một số hoạt chất thiên nhiên mang đến tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ.