Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Huệ, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, số lượng bệnh nhân gặp rối loạn giấc ngủ tới viện khám khá cao trong thời gian gần đây.
Mới đây, một phụ nữ trung niên đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần trong tình trạng buồn bực tại chân, gây ra cảm giác khó ngủ. Bệnh nhân luôn có cảm giác như dòi bò trong chân không thể ngủ nổi. Với bệnh nhân này, bác sĩ chỉ định cần phải khám chuyên sâu để loại trừ hội chứng chân không yên (hội chứng này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn và tăng theo tuổi).
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân cứ lên giường là hồi hộp khó ngủ. Bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc uống nhưng tình trạng càng nặng thêm. Khi các bác sĩ khai thác thêm bệnh nhân thì cho thấy trường hợp này có rối loạn lo âu gây ra mất ngủ nặng. Sau khi được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc, tình trạng đã cải thiện hơn.
Chị D. (42 tuổi, giáo viên cấp 2) gặp bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia trong trạng thái mệt mỏi, đau đầu, thường xuyên mất tập trung.
Bệnh nhân cho hay, khoảng gần 1 năm nay có biểu hiện ngủ ít dần nhưng không đi khám chỉ uống trà an thần. Khoảng 3 tháng gần đây, bệnh nhân ngủ ít, chỉ khoảng 2-3 tiếng, khó vào giấc ngủ hơn, giấc ngủ chập chờn, thức giấc nhiều lần trong đêm.
Do thường xuyên mệt mỏi nhiều nên bệnh nhân cố gắng ngủ bù vào buổi trưa nhưng không ngủ được, đau đầu. Không ngủ được khiến cho bệnh nhân dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, gầy 2kg/2 tháng.
Lo lắng cho sức khỏe, bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, có dùng thuốc 1 tháng, tình trạng mất ngủ vẫn không cải thiện mà bệnh nhân ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, tiếng động nhỏ cũng làm tỉnh giấc và không ngủ lại được. Điều này khiến cho bệnh nhân không dám ngủ chung giường với chồng vì chồng ngủ ngáy.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Công Huân, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ cho hay, bệnh nhân được chẩn đoán mất ngủ không thực tổn, không ghi nhận có các rối loạn lo âu, không trầm cảm. Sau 7 ngày điều trị bệnh nhân ngủ tốt hơn, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn.
Rối loạn giấc ngủ (hay rối loạn thức-ngủ) liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng rối loạn giấc ngủ gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Phụ nữ phàn nàn về giấc ngủ nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Theo bác sĩ Huệ, một người được chẩn đoán bị mất ngủ khi tình trạng này xuất hiện ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, tồn tại ít nhất là 3 tháng. Đồng thời, cũng phải loại trừ các nguyên nhân gây mất ngủ khác như do sử dụng các chất tác động tâm thần, hay hậu quả của một bệnh tâm thần khác…
Các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mất ngủ thì cần xác định phải điều trị lâu dài, như một bệnh mãn tính. Còn nếu nó là triệu chứng của các bệnh khác thì phải điều trị bệnh gốc.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường, Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia khuyến cáo việc 'vệ sinh' giấc ngủ giúp chuẩn bị tâm lý khi bước vào giấc ngủ, giúp mỗi người có thể duy trì giấc ngủ tốt hơn là rất cần thiết.
Theo đó, mỗi người cần: Buổi trưa chúng ta không nên ngủ quá 30 phút; tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định; chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường. Điều này giúp não bộ tạo mối liên hệ giữa giấc ngủ và giường.
Mọi người không ăn quá no, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán; Cố gắng ăn uống trước 3 tiếng trước khi đi ngủ. Tránh chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia; Tránh xem tivi, điện thoại, thậm chí nhiều người rối loạn giấc ngủ đến mức ngay cả tiếng chuông tin nhắn điện thoại cũng gây khó ngủ, do đó cần để điện thoại xa khu vực giường ngủ.
Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền. Thể dục thường xuyên hằng ngày cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đến gặp chuyên gia để loại trừ các bệnh lý về tâm thần. Mất ngủ không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm.