Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến giữa tháng 4, các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ đạt 57% dung tích thiết kế, Bắc Trung Bộ đạt 59%, Nam Trung Bộ đạt 66%, Đông Nam Bộ đạt 56%, đặc biệt khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 40% dung tích thiết kế, trong đó Kon Tum 43%, Gia Lai 37%, Đắk Lắk 38%, Đắk Nông 40%, Lâm Đồng 54%. Cũng qua thống kê, khoảng 182 hồ chứa nhỏ bị cạn nước ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước làm gần 10.300 ha cây trồng ở các địa phương: Bình Thuận, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Sóc Trăng bị ảnh hưởng. Khu vực Tây Nguyên là nơi có hàng triệu héc-ta cây công nghiệp như: Cà-phê, hồ tiêu, điều, mắc-ca…
Tuy nhiên, nhiều diện tích canh tác cây công nghiệp nằm ngoài vùng phụ trách tưới chủ động của công trình thủy lợi. Do phụ thuộc nguồn nước mưa, nhiều diện tích sản xuất đang bị hạn hán, thiếu nước đe dọa. Nhất là thời gian này, cây cà-phê đang ra hoa, đậu quả, nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.
Theo nhận định thời gian tới, tại Đồng bằng Bắc Bộ, nguồn nước phục vụ tưới dưỡng lúa đang bị thiếu hụt do mực nước sông Hồng-Thái Bình ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi chủ động vận hành dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương... Bắc Trung Bộ có từ 1.000 đến 1.500 ha cây trồng, khu vực Tây Nguyên có từ 15.000 đến 26.000 ha và Đông Nam Bộ có từ 8.000 đến 11.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 22 đến 25/4 ở các cửa sông Cửu Long sẽ xảy ra đợt xâm nhập mặn cao; khu vực hai sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày từ 22 đến 25/4 và từ ngày 6 đến 10/5.
Đã sớm kích hoạt giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn
Nhằm chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho cây trồng, thời gian tới các địa phương và người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng các vật liệu che phủ đất hoặc thảm thực vật nhằm tránh nắng nóng, giảm thoát hơi nước. Đặc biệt không trồng mới cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước hoặc không chủ động được nước tưới. Đối với cây ăn quả, cần giữ ẩm cho cây bằng lá khô, rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp; tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Bên cạnh đó, cần phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục bảo vệ diện tích lúa đông xuân năm 2023-2024 chưa thu hoạch trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn; rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu năm 2024 phù hợp điều kiện của từng địa phương và linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế; xuống giống sớm và tập trung ở vùng có đủ nguồn nước tưới. Mặt khác, cần chủ động chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa ở những nơi không bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất; chuyển đổi sản xuất lúa ba vụ/năm sang hai vụ/năm ở những vùng khó khăn, nguồn nước không đáp ứng đủ cho sản xuất ba vụ…