Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có hơn 14,4 triệu người mắc bệnh lao các thể, 9,2 triệu người mắc lao mới (khoảng 130 người/100 nghìn dân) trong đó có 4,1 triệu người mắc lao phổi AFB dương tính mới. Mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người chết do căn bệnh này. Bệnh lao là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số những người bị nhiễm HIV/AIDS. Còn tại nước ta, bệnh lao cũng là vấn đề sức khỏe chủ yếu. WHO ước tính Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu với tỷ lệ lao các thể là 173 nghìn người/100 nghìn dân, hằng năm số người bệnh được phát hiện và thu nhận điều trị xấp xỉ 100 nghìn trường hợp.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, nước ta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhằm duy trì tính bền vững của các hoạt động chống lao, cũng như những thành tựu đã đạt được. Ðó là các vấn đề: Dịch tễ bệnh lao (số người mắc lao trong cộng đồng còn cao); đồng nhiễm lao/HIV; lao kháng thuốc; thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao... Theo kết quả mắc lao và nhiễm lao toàn quốc tiến hành năm 2006-2007 cho thấy, tỷ lệ mắc lao phổi dương tính mới là 114/ 100 nghìn dân (tương đương hơn 95 nghìn trường hợp) cao hơn ước tính của WHO (90/100 nghìn dân). Như vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao của nước ta vẫn cao, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại một lượng lớn người bệnh lao phổi AFB dương tính chưa được phát hiện, tiếp tục là nguồn lây. Kết quả điều tra tỷ lệ nhiễm lao hằng năm ở Việt Nam vẫn là 1,67%, không có sự thay đổi so với nghiên cứu năm 1997. Năm 1997, WHO đã nhận định Việt Nam đạt được mục tiêu phát hiện hơn 70% số người bệnh hiện có và điều trị khỏi hơn 85% số nguồn lây phát hiện được. Từ đó đến nay, tình hình dịch tễ bệnh lao vẫn không suy giảm, mà lại có sự gia tăng bệnh lao ở lứa tuổi trẻ, nam thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.
Tình hình đồng nhiễm lao/HIV đang là một thách thức lớn và được đánh giá là rất nghiêm trọng. Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV. Theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, hiện nay tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có người đồng nhiễm lao và HIV. Người đồng nhiễm lao/HIV tập trung ở những tỉnh, thành phố có nhiều người nhiễm HIV và mắc lao: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn... Qua khám sàng lọc lao cho 5.114 người nhiễm HIV cho thấy, có 18,6% số nhiễm HIV có mắc lao; khoảng 90% số người nhiễm lao/HIV ở lứa tuổi từ 18 đến 40. Ðáng chú ý, qua giám sát trọng điểm có 5% số người bệnh lao có nhiễm HIV, tỷ lệ này tăng gấp mười lần so với năm 1990. Sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS làm cho bệnh nhân lao lại càng thêm trầm trọng vì 50% số người nhiễm HIV sẽ trở thành bệnh lao nếu nhiễm vi khuẩn lao. Ðể giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai một số hoạt động và bước đầu đem lại kết quả khả quan. Xây dựng 67 phòng tư vấn xét nghiệm HIV cho người bệnh lao tại 14 tỉnh, thành phố (gần 12 nghìn người bệnh lao được tư vấn xét nghiệm HIV); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội cho 8.200 người bệnh đồng nhiễm lao/HIV; điều trị dự phòng lao bằng INH cho 875 người nhiễm HIV tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nam, An Giang, Hải Phòng, hoạt động này kéo dài hết năm 2009...
Bên cạnh đó, bệnh lao kháng thuốc, nhất là bệnh lao kháng đa thuốc (MDR - TB) và bệnh lao siêu kháng thuốc (XDR - TB) đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân phát sinh MDR - TB và XDR - TB chủ yếu là do con người tạo nên, đó là do người bệnh lao không tuân thủ y lệnh của thầy thuốc trong quá trình điều trị, việc kê đơn thuốc điều trị của thầy thuốc không đúng, cung cấp thuốc lao kém chất lượng và bị gián đoạn, việc giám sát điều trị chưa tốt. Theo điều tra kháng thuốc gần đây cho thấy, tỷ lệ MDR - TB trong số người bệnh lao phổi dương tính mới là 2,7% và trong số người bệnh đang điều trị là 19,3%. Căn cứ vào số người bệnh lao được phát hiện hằng năm để ước tính thì mỗi năm nước ta có bốn đến sáu nghìn trường hợp lao kháng đa thuốc. Người bệnh MDR phân bố ở khắp các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu ở những tỉnh có nhiều người bệnh lao, có nhiều cơ sở y, dược tư nhân hoạt động, có độ lưu hành HIV cao. Việc phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị cho MDR - TB và XDR - TB là rất khó khăn và tốn kém, đòi hỏi phải đầu tư kinh phí gấp hàng nghìn lần để nâng cấp cơ sở điều trị, phòng xét nghiệm, đào tạo cán bộ, thuốc điều trị... Chi phí điều trị cho người bệnh MDR - TB cũng đắt gấp hàng trăm lần so với người bệnh không kháng thuốc, nhưng tỷ lệ điều trị khỏi không vượt quá 70%, tỷ lệ chết và thất bại trong quá trình điều trị là rất cao. Nếu người bệnh MDR - TB không được quản lý trong quá trình điều trị sẽ có nhiều nguy cơ phát triển thành thể lao siêu kháng thuốc XDR - TB, khi đó thì không thể cứu chữa. Ðáng chú ý, mặc dù có quyết tâm cao và tập trung đầu tư, nhưng do nguồn lực không đủ, cho nên hiện nay dự án quản lý MDR - TB mới được triển khai ở năm tỉnh, thành phố trọng điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa. Cũng chính vì thế, giai đoạn 2007 - 2011, mỗi năm Chương trình chống lao quốc gia chỉ tiếp nhận và quản lý được gần 20% số người bệnh MDR - TB mới xuất hiện.
PGS, TS Ðinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia đánh giá: nhằm duy trì kết quả hoạt động và nâng cao hiệu quả của công tác chống lao cần tập trung triển khai tốt một số hoạt động cụ thể. Trước tiên là đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao. Ðồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến cơ sở để duy trì năng lực triển khai công tác chống lao. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh bằng chiến lược DOST, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường phối hợp lồng ghép chương trình chống lao với các chương trình y tế khác, như HIV/AIDS để quản lý, điều trị cho người bệnh. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Chính vì vậy, hưởng ứng Ngày chống lao thế giới (24-3) năm nay, Chương trình chống lao Việt Nam đưa ra chủ đề "Phòng, chống bệnh lao bằng sức mạnh của hệ thống y tế cơ sở". Với chủ đề này một lần nữa khẳng định vai trò của y tế cơ sở là nòng cốt để triển khai tất cả các hoạt động, từ phòng bệnh đến điều trị cũng như khống chế không để lây lan ra cộng đồng. Cũng từ đó, có sự đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở, để hệ thống này đảm đương được những yêu cầu đối với công tác phòng, chống lao.
Trung Hiếu