Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Thời gian qua có rất nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em nhỏ tuổi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, giải pháp xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm xử lý các vụ việc liên quan được rất nhiều bạn đọc quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Đồng Phú (Bình Phước) đọc lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thanh Tú để điều tra về hành vi hành hạ bé D.Y, là con riêng của vợ Tú. (Ảnh Thanh Trúc)
Công an huyện Đồng Phú (Bình Phước) đọc lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thanh Tú để điều tra về hành vi hành hạ bé D.Y, là con riêng của vợ Tú. (Ảnh Thanh Trúc)

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Trần Thanh Tú (SN 1999, ngụ xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú) để điều tra về hành vi "hành hạ người khác"; đồng thời, khởi tố bị can, thực hiện biện pháp ngăn chặn cấm rời khỏi nơi cư trú đối với Lầu Y Lầu (SN 1997, vợ đối tượng Tú) cùng hành vi trên… Cụ thể, năm 2020, Tú và Lầu kết hôn, sống cùng nhau tại xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Bé D.Y (7 tuổi) là con đẻ của Lầu còn Tú là cha dượng.

Đầu năm 2022, Lầu đón D.Y từ Nghệ An vào Bình Phước ở cùng, nhưng do bé nghịch ngợm, lười ăn nên thường bị mẹ và cha dượng đánh đập gây thương tích. Ngày 27/7/2022, người hàng xóm phát hiện bé Y có nhiều vết bầm tím, đã trình báo công an xã và đăng tải sự việc lên mạng xã hội. Sau khi tiếp nhận thông tin, các cán bộ Công an xã Tân Hòa đã mời vợ chồng Lầu đến làm việc. Tại đây, cả hai người đều thừa nhận hành vi hành hạ bé Y… Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc sử dụng bạo lực để hành hạ trẻ em khiến dư luận bức xúc, mong muốn xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực đối với trẻ em như nhận thức của các gia đình, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa đầy đủ và có phần bị xem nhẹ. Do thói quen, phong tục, tập quán văn hóa khiến nhiều người coi chuyện đánh, mắng con là bình thường và xem đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo lực.

Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em; các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự. Số liệu trẻ em bị bạo lực, xâm hại do cơ quan chức năng và các địa phương thống kê, báo cáo chưa kịp thời và đầy đủ. Nhiều trường hợp trẻ em bị ngược đãi, bỏ mặc, đánh đập; xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần... chưa được tố giác, phát hiện và xử lý kịp thời, gây khó khăn cho công tác dự báo, đánh giá tình hình.

Việc cung cấp thông tin, số liệu gặp khó khăn giữa các ngành phối hợp do các vụ việc cần bảo mật thông tin. Ngoài ra, việc trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân; việc nhận biết các dấu hiệu hành vi và cách phòng tránh bạo lực, xâm hại còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan…

Để phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại đến trẻ em, theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Trẻ em-Bình đẳng giới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và đoàn thể tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai tốt các chỉ thị, quyết định, kế hoạch, chương trình về bảo vệ chăm sóc, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thường xuyên lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về trẻ em vào chương trình, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị, địa phương hằng năm và theo từng giai đoạn cụ thể; tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, giữa các thành viên ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, huyện,… trong việc phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trẻ em bị bạo lực ngay tại cơ sở.

Tùy theo mức độ, mục đích, nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em về tinh thần hoặc gây thương tích mà cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Các căn cứ luật, quy định để xử lý gồm Luật Trẻ em; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Bộ luật Hình sự; Nghị định 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật; Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Nếu hành vi “bạo hành” trẻ em chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ vào các nghị định liên quan để xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường bằng tiền cho cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Luật sư BÙI ĐÌNH BẢN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Cơ thể của trẻ em phát triển chưa hoàn chỉnh, khung xương yếu cho nên nếu bị đánh vào những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, ngực, bụng, lá lách,… thì rất nguy hiểm. Tất cả các tổn thương nặng đều có nguy cơ sốc chấn thương-suy hô hấp, suy tuần hoàn, khả năng tử vong cao…

Ths, bs HÀ ĐỨC TRỊNH

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên