Phong cách quản trị quốc gia

Không đến mức đẩy dư luận vào “ma trận chính sách” như trong những tháng đầu lãnh đạo nước Mỹ, song các bước đi của Tổng thống Donald Trump (trong ảnh) trong năm 2018 tiếp tục “gây bão”. Phải chăng, khi hành động theo cách thức “phi truyền thống”, áp dụng kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong điều hành đất nước, vị “chính khách - doanh nhân” đứng đầu nước Mỹ muốn tạo nét khác biệt trong phong cách lãnh đạo quốc gia.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Thế giới từng hoang mang trước những thay đổi đột ngột về chính sách của Washington sau khi ông Trump tiếp quản ghế Tổng thống với lời hứa “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong năm cầm quyền đầu tiên, bằng cách thức khác biệt, Tổng thống Trump rốt ráo thực hiện lời hứa với cử tri, song song việc định hình và hoàn thiện chính sách. Năm 2018, đánh dấu chặng đường nửa nhiệm kỳ, ông Trump lại căng sức bảo vệ và khẳng định tính hiệu quả của chính sách, cũng theo cách thức rất khác biệt.

Chưa dừng làn sóng “rút, rời” khỏi những thỏa thuận, cơ chế toàn cầu từng đẩy nước Mỹ chạm đỉnh chỉ trích của dư luận, Tổng thống Trump dứt khoát từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran. Không hài lòng với Nga, mà có thể là mượn cớ để gây sức ép lên các đồng minh ở châu Âu trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, ông Trump dọa rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Để kiềm chế đối thủ, lãnh đạo Mỹ không ngại ngần khơi mào “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc; và để giành thế thượng phong, ông chủ Nhà Trắng sử dụng chiêu bài “cây gậy thuế” với cả các đồng minh truyền thống. Để thúc đẩy giới lập pháp Mỹ cấp tiền cho dự án “bức tường biên giới” đầy tham vọng, ông Trump đẩy hình ảnh “đoàn caravan di cư” từ Trung Mỹ lên mức nguy hiểm, triển khai quân đội và đóng cả cửa khẩu biên giới với Mexico...

Lý giải về quan điểm và hành động khác thường của Tổng thống Trump, cũng có ý kiến bênh vực. Bước vào Nhà trắng với tâm thế bị cho là “kẻ ngoại đạo”, dưới góc nhìn của một doanh nhân thành đạt trong vai trò mới là một chính trị gia, ông Trump luôn than vãn về một nước Mỹ già nua và trì trệ. Tư duy của nhà quản trị doanh nghiệp giúp Tổng thống biết điều gì cần giữ và cái gì phải bỏ. Tổng thống luôn có cách khiến người Mỹ hiểu rằng, phía sau các thông điệp chính trị và động thái chiến lược là lợi ích của người dân. Những bước đi chính sách luôn được gắn mác “lợi ích quốc gia” và mục tiêu duy trì vị thế “siêu cường số 1” của Mỹ. Chiến lược duy trì “ngôi vương” cho Mỹ rất rõ ràng: Đối đầu trực diện để tìm cách làm suy yếu đối thủ; đưa đất nước “vĩ đại trở lại” với phương châm “Nước Mỹ trước hết”.

Với chính quyền Trump, chủ nghĩa khủng bố không còn là mối đe dọa trực tiếp vị thế siêu cường số 1 cũng như trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt, mà là sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2018 đã xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”. Và lĩnh vực thương mại, với công cụ là “biểu thuế đen”, đã được ông Trump lựa chọn cho chiến lược kiềm chế, vốn đẩy hai nền kinh tế nhất - nhì thế giới vào vòng xoáy căng thẳng, cận kề một “cuộc chiến thương mại”. Tuy nhiên, xung đột thương mại không phải chuyện lớn nhất, điều ông Trump hướng tới là cạnh tranh chiến lược, trong đó Mỹ phải là bên chủ động và dẫn dắt.

Với quốc phòng, không chỉ chi mạnh tay, với ngân sách các năm 2018 và 2019 gấp nhiều lần so mức chi tiêu lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc, lãnh đạo Mỹ còn gây sức ép với các đồng minh trong NATO và nhiều đối tác bằng lập luận, để được đứng dưới “chiếc ô an ninh” của Mỹ, các nước phải củng cố sức mạnh thông qua tăng ngân sách quốc phòng. Thực tế, chiến thuật gây sức ép và đe dọa ít nhiều cũng phát huy hiệu quả: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt; NATO đứng về phía Mỹ cáo buộc Nga hủy hoại INF...

Trong tâm thế một nhà quản trị kinh tế, hơn là lãnh đạo chính trị, vị tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” có cách lý giải trật tự quốc tế theo cách riêng. Song, những bước đi xa rời hợp tác quốc tế, ngược chiều xu hướng đa phương và toàn cầu hóa vẫn đe dọa làm đảo lộn thế giới, ít nhất là với nền kinh tế toàn cầu vốn đang rất mong manh do tình trạng nợ nần, xung đột thương mại và rủi ro tiền tệ.