Bài học về sức mạnh niềm tin của nhân dân

Trong lịch sử những nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự hưng vong của các triều đại luôn gắn liền với sức mạnh niềm tin của nhân dân.

Niềm tin chiến thắng. Ảnh: NAM ANH
Niềm tin chiến thắng. Ảnh: NAM ANH

Khi nào vua sáng, tôi hiền, triều đình trên dưới một lòng, quan tâm đến nhân dân, lấy dân làm gốc, thực thi những chính sách khoan thư sức dân, khi ấy vương triều được lòng dân, được dân tin yêu. Khi lòng dân đã yên, đã tin thì vận nước hanh thông, vương triều vững mạnh, đất nước yên bình. Khi nào triều chính rối loạn, vua tôi xâu xé lẫn nhau hay chỉ lo ăn chơi, thu vén tiền của, làm giàu cho riêng mình, khi ấy vương triều không được lòng người, cũng có nghĩa là mất niềm tin của dân. Một khi dân không còn tin vào chính sự triều đình thì vương triều cũng như cây xanh mất rễ, sông lớn cạn nguồn, sự đổ vỡ đã là nhãn tiền.

Vậy nên triều đình Hồ Quý Ly khi giành được quyền lực từ tay nhà Trần đã không lo củng cố sức mạnh từ niềm tin, xây thành trì trong lòng dân, mà đã vội lo thực hiện những chính sách không được lòng người. Trong thì đổi tiền, hạn điền, hạn nô, tăng thuế, dời đô, tăng lao dịch để xây thành, đắp lũy. Ngoài thì liên tục động binh đánh dẹp phía nam, hao tổn sức người, sức của. Kết quả là, các chính sách thi hành chưa kịp mang lại kết quả thì lòng dân đã ly tán. Khi mất niềm tin của dân thì thành Nhà Hồ dẫu xây bằng đá, dẫu to và vững đến mấy cũng không bảo vệ nổi cơ đồ. Để rồi chỉ bảy năm sau, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã bị giặc bắt, vương triều sụp đổ không cơ cứu vãn.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy thử thách khắc nghiệt vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân một lòng sắt đá, tin yêu theo Đảng. Nhân dân dành dụm từng bát gạo, sẻ chia từng manh áo, che chở, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Trong những tình huống khắc nghiệt, có những người dân đã hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ an toàn cho cán bộ, đảng viên. Theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân sẵn sàng góp công sức, của cải, tài sản và cả tính mạng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”... Hàng vạn bà mẹ đã theo tiếng gọi của Đảng, dâng hiến cho Tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng những người ruột thịt thân yêu của mình. Theo tiếng gọi của Đảng, cả dân tộc đã vùng lên, quyết chí, đồng lòng, đem sức người, sức của, góp gió thành bão, tạo thành sức mạnh thác lũ, triều dâng, đập tan xiềng xích nô lệ, lần lượt đánh thắng hết những kẻ thù xâm lược hùng mạnh và hung bạo nhất thời đại, làm nên những chiến công hiển hách.

Nhân dân đã dành cho Đảng niềm tin yêu sắt đá đó trước hết bởi ý Đảng hợp với lòng dân, bởi Đảng đã giương cao ngọn cờ tranh đấu vì độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, vì quyền sống và hạnh phúc cho nhân dân. Nhân dân đã tin yêu, đi theo Đảng bởi “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, là hiện thân của sự trong sạch. Mỗi cán bộ, đảng viên đều tự nguyện phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, làm gương trước nhân dân bằng phẩm chất đạo đức trong sáng, bằng lối sống chí công vô tư, bằng sự sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là hình ảnh tiêu biểu cho “đạo đức, văn minh” ấy, cho sự trong sáng, cho lý tưởng sống vì nhân dân mà đấu tranh, mà phấn đấu. Chính niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào lãnh tụ đã tạo nền tảng chính trị bền vững và mạnh mẽ cho vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính niềm tin ấy đã mang lại sức mạnh to lớn cho những lời hiệu triệu của Đảng, mang lại hiệu quả thực tế cho những chủ trương, đường lối của Đảng.

Ngày nay, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn. Thế và lực của đất nước ngày càng mạnh và sáng hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một cách rõ rệt. Nhưng cùng với những thành tựu to lớn ấy là sự xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức quyền, coi thường phép nước, bất chấp đạo lý và trách nhiệm cá nhân, nhắm mắt làm càn, sử dụng hoang phí tiền tài của nhân dân, của cải của đất nước, lôi kéo người thân, mua quan, bán chức nhằm thu lợi cho cá nhân và gia đình. Một số cán bộ, đảng viên không ý thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, trong khi thực thi công vụ của công chức, viên chức còn nhũng nhiễu dân, không quan tâm đến quyền và lợi ích của dân và không nhớ rằng mình là nô bộc của dân... Những con người và sự việc ấy đang hằng ngày, hằng giờ làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, làm lu mờ những thành tựu to lớn của đất nước, những công lao to lớn của Đảng với chế độ, với nhân dân.

Nhận thức sâu sắc bài học về sức mạnh niềm tin của nhân dân, ghi khắc không quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t15, tr672); Đảng ta đã trước sau như một kiên định nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhằm mục tiêu xây dựng thành công chế độ xã hội của dân, do dân và vì dân. Cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian vừa qua như thể hiện thái độ chính trị kiên quyết của Đảng làm trong sạch đội ngũ, khôi phục niềm tin của nhân dân. Đó là việc làm hợp lòng dân, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW) thêm một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở chính trị, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.

Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới đầy thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường sức mạnh toàn dân tộc, toàn dân trên dưới một lòng, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo nhằm sớm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ. Hơn lúc nào hết, bài học về sức mạnh niềm tin của nhân dân trở nên nóng bỏng và có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với mỗi người cộng sản. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Bài học về sức mạnh niềm tin của nhân dân ảnh 1

Chung tay xây dựng nông thôn mới.