Theo Viện Công nghệ vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ba tháng thử nghiệm cũng là thời gian các cán bộ kỹ thuật Việt Nam cùng các chuyên gia Pháp điều khiển ổn định quỹ đạo làm việc, hiệu chỉnh các thông số hệ thống đối với các thiết bị gắn trên vệ tinh, nhất là đối với hệ thống quang học nhằm bảo đảm chất lượng của ảnh chụp. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Tính đến thời điểm ngày 9-8, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp, truyền về và xử lý được hơn 7.800 ảnh (bao gồm cả ảnh toàn sắc và ảnh đa phổ). Trong đó số ảnh chụp các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam là 750 ảnh, phục vụ chủ yếu cho khâu căn chỉnh cũng như đánh giá hiệu năng của hệ thống vệ tinh. Ðến nay vệ tinh VNREDSat-1 đã và đang hoạt động ổn định trên quỹ đạo với các thông số: Ðộ cao của quỹ đạo trên xích đạo là 680 km, góc nghiêng mặt phẳng quỹ đạo là 98,13 độ, nghĩa là đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra. Việc vận hành hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 được thực hiện do các kỹ sư Việt Nam đảm nhận (có sự giám sát của chuyên gia Pháp). Quy trình thực hiện tạo ra sản phẩm ảnh là trên cơ sở lập kế hoạch và vận hành vệ tinh chụp ảnh do Trung tâm Ðiều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ thuộc Viện Công nghệ vũ trụ, còn phần thu nhận ảnh và xử lý ảnh chụp từ vệ tinh là do trạm thu ảnh vệ tinh thuộc Cục Viễn thám quốc gia đảm nhận.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4262, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ký kết, ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động quản lý, vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1.
Hệ thống VNREDSat-1 là hệ thống viễn thám bao gồm vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1, trung tâm điều khiển vệ tinh, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh băng tần S, trạm lưu trữ dữ liệu dự phòng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và trạm thu ảnh vệ tinh thuộc Cục Viễn thám quốc gia. Bản quy chế nhấn mạnh trách nhiệm mỗi bên trong việc quản lý, vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 do Nhà nước đầu tư (55,8 triệu ơ-rô và 64,8 tỷ đồng vốn đối ứng Việt Nam). Trong đó Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thường xuyên giám sát các thông số kỹ thuật, các thiết bị chuyên dụng lắp, kiểm soát và điều khiển vệ tinh. Ðồng thời chủ trì xây dựng kế hoạch chụp và thu nhận ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trên cơ sở các yêu cầu đã tiếp nhận, cân đối giữa khả năng đáp ứng của hệ thống và nhu cầu về ảnh viễn thám các loại do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp từ khách hàng (các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân). Lập lịch và đặt lệnh chụp ảnh cho vệ tinh, cung cấp thông tin nhiệm vụ, thông tin trạng thái và quỹ đạo của vệ tinh cho trạm thu ảnh vệ tinh của Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời thu tín hiệu vệ tinh... Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là vận hành trạm thu ảnh vệ tinh (bao gồm trạm thu băng tần X, trạm xử lý ảnh và hệ thống nắn chỉnh hình học ảnh viễn thám các mức thuộc Cục Viễn thám quốc gia); vừa thu nhận tín hiệu ảnh từ vệ tinh VNREDSat-1 được tải xuống, đồng thời lưu trữ, xử lý tín hiệu tạo thành các sản phẩm ảnh viễn thám ở mức L0, L1A và L2A... Bản quy chế quy định: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ trong lưu trữ và cung cấp sản phẩm ảnh vệ tinh VNREDSat-1 đúng mục đích của dự án; phục vụ công tác quản lý nhà nước; đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; giám sát tài nguyên, thiên nhiên, môi trường; giảm nhẹ thiên tai; phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Ngày 4-9 vừa qua, phía Pháp đã bàn giao toàn bộ dự án vệ tinh VNREDSat-1 cho Việt Nam. Từ đây mọi hoạt động quản lý, vận hành và khai thác hệ thống VNREDSat-1 sẽ do cán bộ, chuyên gia của chúng ta đảm nhận. Nhiều năm qua, chúng ta phải mua ảnh viễn thám từ các vệ tinh nước ngoài bằng ngoại tệ không nhỏ. Bây giờ đã có vệ tinh mang thương hiệu Việt Nam, dĩ nhiên chúng ta chủ động được một phần nguồn ảnh viễn thám. Tuy nhiên phân tích của các nhà khoa học cho thấy, trong số ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp được các khu vực trên lãnh thổ nước ta, chỉ đạt khoảng 25% có độ nét. Vệ tinh VNREDSat-1 được đầu tư khá lớn, lại có tuổi thọ chỉ năm năm, cho nên vấn đề đặt ra là cần có sự phối hợp chặt chẽ, giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, góp phần vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.