Phối hợp đa chuyên khoa cứu người bệnh vỡ tim, ngừng tuần hoàn

NDO - Sau cú va chạm với ô-tô, em P.L.Q.L, 21 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội bị đa chấn thương, vỡ tim, ngừng tuần hoàn. Ngay sau khi nhập viện, Bệnh viện Bạch Mai đã huy động lực lượng của nhiều chuyên khoa để thực hiện ngay ca phẫu thuật, giúp em thoát khỏi “cửa tử” trong gang tấc.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ chúc mừng P.L.Q.L. được ra viện.
Các bác sĩ chúc mừng P.L.Q.L. được ra viện.

Ngày 27/3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 1 tháng điều trị tích cực, em P.L.Q.L. được ra viện trở về với gia đình để viết tiếp ước mơ khi đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường đại học Mở Hà Nội.

Đêm muộn ngày 28/2, sau khi hoàn thành giờ dạy gia sư, trên đường về nhà P.L.Q.L không may gặp tai nạn giao thông (va chạm với ô-tô). Sau khi được sơ cứu tại chỗ rồi đưa vào Bệnh viện huyện Thường Tín cấp cứu, em được chuyển lên Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Nạn nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đa chấn thương. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức tim phổi, đến khi thấy dấu hiệu tim đập lại, nhưng huyết động rất yếu, da niêm nhợt trắng và được truyền 2 đơn vị máu tối cấp.

Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân bị chấn thương ngực kín, theo dõi vỡ tâm thất trái, tràn máu ngoài tim, chèn ép tim cấp xương sườn hai bên gãy gần hết, theo dõi chấn thương sọ não, sốc mất máu, tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên.

Với tình trạng cực kỳ nặng của bệnh nhân lúc ấy, hầu như các y, bác sĩ có mặt lúc đó đều thoáng nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng ngay trong những phút chạm vào nỗi tuyệt vọng như thế, với tinh thần “còn nước còn tát”, các y, bác sĩ quyết tâm chiến đấu để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nên ngay lập tức, bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ trong tình trạng những dấu hiệu sinh tồn vô cùng mong manh: huyết áp khó đo, SPO2 khó bắt, vận mạch liều cao, dẫn lưu màng tim hơn 1.000ml máu.

Phối hợp đa chuyên khoa cứu người bệnh vỡ tim, ngừng tuần hoàn ảnh 2

Các bác sĩ đang thực hiện ca mổ cấp cứu cho P.L.Q.L.

Ê-kip gây mê hồi sức của Trung tâm Gây mê hồi sức nhanh chóng đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, ven lớn, bù dịch và lĩnh máu cấp cứu. Các bác sĩ phẫu thuật thuộc Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Viện Tim mạch khẩn trương mở màng phổi cấp cứu, cưa xương ức, mở màng tim, khâu cầm máu nhĩ phải, trái, truyền máu và các chế phẩm máu.

Sau khi được khẩn trương cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Cấp cứu A9 và mổ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển lên Hồi sức tích cực ngoại khoa để tiếp tục theo dõi sát sao và điều trị tích cực.

Do tai nạn giao thông quá nặng nề, có thể nói là khủng khiếp, trải qua những giờ sinh tử của cấp cứu, phẫu thuật, bệnh nhân suy đa tạng, rối loạn đông máu do mất máu nhiều vì ngừng tuần hoàn ngoại viện và phải vận mạch liều cao trong và sau phẫu thuật… Cho nên các bác sĩ hồi sức tích cực phải triển khai các phương án can thiệp điều trị tối ưu: Lọc máu, kiểm soát huyết động bằng Picco, kiểm soát thân nhiệt, thuốc vận mạch trợ tim, thở máy bảo vệ phổi, truyền máu, chăm sóc dinh dưỡng...

Bằng những cố gắng của rất nhiều thầy thuốc của nhiều chuyên khoa, sau 7 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã tỉnh, nhận biết tốt, cai thở máy, các chức năng phổi, gan, thận dần hồi phục.

Đến ngày 21/3, bệnh nhân đã gần như hồi phục hoàn toàn và được chuyển lên Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu để theo dõi vết mổ và chuẩn bị xuất viện.

Phối hợp đa chuyên khoa cứu người bệnh vỡ tim, ngừng tuần hoàn ảnh 3

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những yếu tố giúp cứu sống thành công người bệnh.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, điểm mấu chốt để có được thành công của trường hợp này là xử lý nhanh chóng, kịp thời sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý đa chuyên khoa, từ Trung tâm Cấp cứu A9, Phòng mổ cấp cứu tại Trung tâm Gây mê hồi sức đến Viện Tim mạch, Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu... Đó cũng chính là thế mạnh và ưu việt của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước với các mũi nhọn, các đơn vị xung kích sẵn sàng ứng cứu những trường hợp khẩn cấp.

PGS, TS Đào Xuân Cơ cũng chia sẻ, cháu P.L.Q.L được cứu sống có một phần đóng góp quan trọng của xử lý cấp cứu ngoại viện (tại cộng đồng) cũng như tại đơn vị y tế tuyến dưới (Bệnh viện huyện Thường Tín).

Do vậy, trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ phối hợp Hội Hồi sức chống độc Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến kiến thức, đào tạo cấp cứu ngoại viện cho nhiều đối tượng trong cộng đồng, để thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cấp cứu đúng quy trình. Khi được sơ cứu đúng cách, người không may bị nạn sẽ có nhiều cơ hội được cứu sống cũng như hạn chế thấp nhất những di chứng.