Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự khu vực giáp ranh thành phố

Các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng, cũng như cả nước. Việc bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại các khu vực giáp ranh sẽ góp phần quan trọng ổn định đời sống người dân cũng như hoạt động đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quân bảo đảm trật tự trên địa bàn quận 12.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quân bảo đảm trật tự trên địa bàn quận 12.

Cách đây gần hai năm (tháng 10/2020), phát biểu trước lãnh đạo, công an các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang về tình hình an ninh trật tự khu vực giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đây là khu vực chính trị, kinh tế trọng điểm, phát triển năng động của Nam Bộ và cả nước, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; đồng thời là nơi tập trung đông người dân nhập cư từ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước về cư trú, làm ăn sinh sống nên cũng là địa bàn mà tội phạm thường tập trung lợi dụng để hoạt động, gây phức tạp về an ninh trật tự. Các địa phương trên có diện tích hơn 23.600km2 với 47 địa bàn giáp ranh cấp thành phố, quận, huyện, thị xã và hơn 170 địa bàn giáp ranh cấp phường, xã, thị trấn và các tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia.

Theo thống kê, giai đoạn 2017-2020, tại địa bàn bảy tỉnh, thành phố đã xảy ra hơn 28.300 vụ phạm pháp hình sự. Riêng trong hai năm 2018, 2019 đã xảy ra hơn 20.400 vụ phạm pháp hình sự, chiếm tỷ lệ hơn 19% số vụ phạm pháp hình sự của cả nước. Trong đó, tại 47 địa bàn giáp ranh cấp huyện của bảy tỉnh, thành phố xảy ra hơn 16.300 vụ, chiếm tỷ lệ hơn 57% số vụ phạm pháp hình sự của bảy tỉnh, thành phố. Các loại tội phạm phổ biến ở các khu vực này thường là: cướp, cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, giết người...; các loại tội phạm về ma túy, cờ bạc, game bắn cá, tội phạm lừa đảo công nghệ cao, tệ nạn mại dâm...

Đặc biệt, sự hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, thành phố; tội phạm liên quan “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ để hoạt động cho vay lãi nặng kéo theo hoạt động đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản và bắt giữ người trái pháp luật cũng diễn biến phức tạp, tinh vi. Với quyết tâm mang lại sự an toàn, an ninh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm phát triển, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và sáu tỉnh giáp ranh đã có sự phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, qua hai năm thực hiện, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng công tác phối hợp giữa công an các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn vẫn được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế tại bảy tỉnh, thành phố trọng điểm phía nam. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, bảy tỉnh, thành phố giáp ranh đã kéo giảm 8,68% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2020 số vụ tội phạm về trật tự xã hội.

Về công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội, công an bảy tỉnh, thành phố đã phối hợp khám phá gần 5.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt gần 79% kế hoạch (cao hơn 1,83% so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 90%; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, nhìn nhận thực tế cho thấy, tính chất của nhiều loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đang diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm như cướp, cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm cờ bạc online. Đa số tội phạm hoạt động lưu động là các đối tượng có tiền án, tiền sự nên phương thức, thủ đoạn chuyên nghiệp, tinh vi, manh động và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động sau khi gây án gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.

Thời gian tới, công an các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các hệ lực lượng, chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh cụ thể, phù hợp với từng địa bàn; thường xuyên phối hợp xác minh nguồn tin, trao đổi thông tin ở từng cấp, nhất là thông tin về âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hệ loại đối tượng; tạo sự đồng bộ trong phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, quyết tâm chuyển hóa, lập lại trật tự tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm giáp ranh.

Đồng thời, công an các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phối hợp quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng khu vực giáp ranh; ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ; chủ động xây dựng các phương án xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, bố trí lực lượng kịp thời phối hợp tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, tình hình phức tạp xảy ra tại địa bàn giáp ranh như tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn,…

Các đơn vị cũng tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo hệ thống chính trị tại địa bàn giáp ranh phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách đồng bộ, rộng khắp; thường xuyên tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm cho nhân dân biết để cảnh giác, nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, tố giác và tham gia với lực lượng công an đấu tranh, truy bắt tội phạm.