Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá cao việc lãnh đạo cấp cao các nước đã cùng nhau đồng thuận thông qua các văn kiện quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ở New York, Hoa Kỳ, tháng 9/2024 vừa qua, cho rằng các văn kiện này thể hiện cam kết quốc tế mạnh mẽ trong việc tìm ra giải pháp xử lý các thách thức toàn cầu, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Scholz nhấn mạnh, Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững là hội nghị đa phương đầu tiên và là sự tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, là dịp để các nước và các bên liên quan cùng nhau tăng cường hợp tác quốc tế để biến cam kết thành hành động cụ thể.
Thủ tướng Đức kêu gọi các quốc gia cần chia sẻ trách nhiệm, đặc biệt là đóng góp nguồn lực cho tài chính khí hậu, thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân và đầu tư tư nhân trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như năng lượng hóa thạch.
Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững là sáng kiến của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2023.
Hội nghị diễn ra trong các ngày 7-8/10 với hàng loạt các phiên thảo luận, tọa đàm chuyên đề nhằm thúc đẩy các sáng kiến, nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Nhân dịp dự hội nghị, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tiếp bà Svenja Schulze, Bộ trưởng Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức.
Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao Chính phủ Đức về sáng kiến tổ chức Hội nghị HSC và luôn đi đầu trong việc triển khai các sáng kiến quốc tế về bảo vệ khí hậu, giảm phát thải, tăng trưởng xanh, góp phần quan trọng thúc đẩy các nỗ lực đạt mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tiếp Bộ trưởng Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức, bà Svenja Schulze. |
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược với Đức; đánh giá cao việc trong gần 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, các chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Đức và Thủ tướng Đức đã tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước, đặc biệt là trụ cột thương mại-đầu tư, giúp Đức duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á; đề nghị Chính phủ Đức khuyến khích các doanh nghiệp Đức đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời, hydrogen xanh.
Phó Thủ tướng khẳng định các dự án ODA của Đức đã góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thành công; cảm ơn phía Đức tiếp tục coi Việt Nam là một trong 8 đối tác toàn cầu trong Chiến lược hợp tác phát triển của Đức đến năm 2030; cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ ODA để Việt Nam triển khai các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và đào tạo nhân lực để triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (JETP).
Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Đức phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu
Bộ trưởng Svenja Schulze bày tỏ chia sẻ về những thiệt hại to lớn do siêu bão Yagi gây ra đối với nhân dân Việt Nam; đánh giá cao sự tham gia chủ động và tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị HSC, cho rằng Việt Nam nhận thức rất rõ các thách thức toàn cầu hiện nay đối với sự phát triển bền vững, rất có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy sớm hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc; khẳng định hợp tác với Việt Nam rất quan trọng với Đức, đặc biệt là phối hợp triển các dự án trong khuôn khổ JETP và trong khuôn khổ song phương.
Bộ trưởng Svenja Schulze đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ hai nước; nhất trí hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nhân lực..., đặc biệt là triển khai các dự án trong khuôn khổ JETP, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, giao lưu văn hóa-nghệ thuật... dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức vào năm 2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp bà Mafalda Duarte, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh. |
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp với bà Tariye Gbadegesin, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF) và tiếp bà Mafalda Duarte, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh (GCF), nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và CIF, GCF trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng hoan nghênh sự hỗ trợ của 2 quỹ đối với các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định Việt Nam quyết tâm và đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, trong đó có cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đề nghị tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng mời các quan chức này tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 của Diễn đàn cấp cao Đối tác vì phát triển xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào tháng 4/2025 tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận nguồn tài chính khí hậu, đề xuất mô hình, giải pháp hỗ trợ, tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực cho các nước kém phát triển và các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.