Phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong văn hóa và sáng tạo

Khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ đang có nhiều vi phạm ở các lĩnh vực và khá phức tạp. Đây là vấn đề cần nhận diện rõ và có những giải pháp hiệu quả.

0:00 / 0:00
0:00
Một triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội.
Một triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội.

Trong chương trình hòa nhạc tri ân khách hàng mới đây, một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam đã trưng bày bản in tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng thế giới như: Wassily Kandinsky, Gustav Klimt, Claude Monet…

Sự kiện gây ra nhiều phản ứng trong giới nghệ sĩ bởi vấn đề khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ.

Rất nhiều câu hỏi về bản quyền xoay quanh việc dùng bản in tranh vẽ như in một bức tranh của tác giả nổi tiếng trên thế giới để trưng bày có vi phạm bản quyền hay không? Việc mua bản quyền những bức ảnh kỹ thuật số diễn ra như thế nào? Ảnh chụp các tác phẩm nghệ thuật để in ra thì cần tuân theo những điều khoản nào? Mua bản quyền kỹ thuật số của các công ty được các bảo tàng nước ngoài ủy quyền chụp lại các tác phẩm nghệ thuật thì như thế nào?

Nhiều bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác mong muốn hiểu rõ hơn về tài sản trí tuệ và cách thức khai thác, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như hạn chế tình trạng thương mại hóa sản phẩm trí tuệ tràn lan.

“Làm thế nào để đúng” là trăn trở của nhiều người khi tiếp xúc và ứng xử với các tác phẩm nghệ thuật. Từ một trường hợp cụ thể cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ cần được tư vấn, giải đáp, cung cấp thông tin cụ thể để tránh xâm phạm.

Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) chủ trì thực hiện trong gần một năm, hướng tới đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa và những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Viện trưởng VICAS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: Dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo về tầm quan trọng của thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên những người tham gia quản lý và thực hành sáng tạo văn hóa còn khá mơ hồ về vấn đề này cho nên việc triển khai dự án là một thách thức.

Không chỉ đưa ra những đánh giá tổng quan thực trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thông qua chuỗi tập huấn chuyên sâu, các khóa đào tạo, thực hành cho cán bộ quản lý nhà nước, dự án đã nâng cao sự quan tâm chung về bản quyền, gia tăng hiểu biết về thực tiễn, khuôn khổ pháp lý hiện hành về củng cố, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Dự án đồng thời khuyến khích mọi người tìm hiểu về sở hữu trí tuệ cũng như giúp những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo có thêm nhiều thông tin hữu ích về các biện pháp bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.

Thành quả rõ nét của dự án là ra mắt sổ tay kiến thức căn bản về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo và tài liệu hướng dẫn thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo dành cho cơ quan quản lý nhà nước.

Những tài liệu này đã giúp nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo có thêm kiến thức cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ để có thể quản lý, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.

Sở hữu trí tuệ là khái niệm gồm nhiều nội dung rộng lớn, nhiều kiến thức mà ngay cả cán bộ quản lý cũng khó bao quát, nắm bắt toàn diện. Từ việc trưng bày bản in tranh vẽ nêu trên cho thấy nhận thức chung về bản quyền ở Việt Nam đang không đồng đều. Trong bối cảnh hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thương mại có yếu tố văn hóa nghệ thuật đang trở nên phổ biến.

Việc nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền có liên quan đến văn hóa, sáng tạo cho khối doanh nghiệp cũng cần được quan tâm. Dự án bước đầu đã lan tỏa kiến thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền cho nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo nhưng về lâu dài, cần có những chiến lược tạo dựng nền tảng chung về văn hóa sở hữu trí tuệ.

Tiến sĩ Hoàng Lan Phương, giảng viên bộ môn sở hữu trí tuệ, khoa Khoa học quản lý, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia độc lập của dự án nhìn nhận: Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” tác động rõ rệt tới nhận thức của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo.

Vấn đề sở hữu trí tuệ được nhìn nhận rõ ràng hơn, từ bảo vệ quyền sở hữu đến cách khai thác và thương mại hóa giá trị tài sản trí tuệ do mình tạo ra. Tuy nhiên với một khối lượng thông tin rộng lớn, nhiều vấn đề nảy sinh cho nên thực thi sở hữu trí tuệ cần tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức và giải pháp.

Một trong những giải pháp lâu dài là đào tạo về sở hữu trí tuệ cho giảng viên, sinh viên, chuyên gia, nghệ sĩ và người thực hành văn hóa, nghệ thuật.

Theo Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia đào tạo về sở hữu trí tuệ, tuy nội dung sở hữu trí tuệ đã được đưa vào thành bộ môn giảng dạy trong không ít trường đại học, nhưng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam thì lại tương đối ít.

Hiện nay, đối tượng chính mà dự án đang hướng đến là nhóm người đang thực thi các vấn đề về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Vì vậy, cần tăng cường nhận thức về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ đào tạo cũng như tăng cơ hội tiếp cận cho các đối tượng sau khi dự án đã kết thúc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, việc bảo đảm các vấn đề liên quan bản quyền góp phần bảo vệ sự phát triển sản phẩm, dịch vụ, quảng bá, lưu hành.

Bên cạnh việc phát triển các nội dung trong dự án cũng như cập nhật thường xuyên sổ tay kiến thức căn bản về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, việc tổ chức các khóa đào tạo, thực hành ngắn hạn, nhân rộng việc chia sẻ, bàn luận về thực thi sở hữu trí tuệ sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ lĩnh vực văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam.