Theo thống kê của Cục Thuế thành phố Hà Nội, trong 125 loại phí, 55 loại lệ phí trên địa bàn Hà Nội đang quản lý, có 103 khoản phí, 39 lệ phí thuộc thẩm quyền của T. Ư; 22 khoản phí, 16 khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Phổ biến là phí chợ, phí trông giữ xe, phí vệ sinh, phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, phí dịch vụ chung cư, phí trong lĩnh vực y tế, giao thông. Tiếp đến là hàng loạt các lệ phí đăng ký cấp biển xe, làm thủ tục tư pháp, giao dịch nhà đất... Ngoài ra, người dân cũng đã quen với việc nộp các quỹ tại địa phương như quỹ tổ dân phố, quỹ an ninh trật tự, quỹ khuyến học và các khoản ủng hộ, từ thiện... Với các khoản thu như vậy, người dân rất khó phân biệt loại nào là phí bắt buộc, loại nào là giá dịch vụ có thể thỏa thuận, loại nào là đóng góp tự nguyện.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến đánh giá, về cơ bản, những khoản phí và lệ phí đang thu hiện nay phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của pháp luật về phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế. Danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 73 loại phí và 42 lệ phí phù hợp trong thời kỳ đầu thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, cơ bản đều do Nhà nước cung cấp. Qua 13 năm, nhiều khoản đã lạc hậu khi có nhiều thành phần kinh tế tham gia. Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về nội dung này, Cục Thuế đề xuất những trường hợp phí dịch vụ do doanh nghiệp, cá nhân đầu tư (phí ngoài ngân sách) nên chuyển sang giá dịch vụ đưa vào danh mục Nhà nước quản lý giá để khuyến khích xã hội hóa như phí vệ sinh, phí chợ, phí trông giữ xe, phí đò...
Thực tế tại Hà Nội cho thấy, không phải lúc nào việc thu các loại phí cũng được "xuôi chèo mát mái". Đơn cử như phí bảo trì đường bộ đối với mô-tô, xe máy. Năm nay là năm thứ ba thành phố triển khai thu phí này, song theo đánh giá của nhiều quận, huyện, đây là loại phí khó thu, vướng mắc ngay từ khâu kiểm đếm ban đầu. Có những phương tiện dù không được sử dụng nữa, nhưng vẫn được tính dựa trên đăng ký. Mặt khác, do chưa có chế tài xử phạt, cho nên ý thức nộp phí của người sử dụng phương tiện giao thông vẫn còn thấp. Để khắc phục tình trạng này, năm 2015 UBND thành phố Hà Nội đã "áp" chỉ tiêu thu phí bảo trì đường bộ cho các quận, huyện với tổng số kinh phí dự tính là hơn 286 tỷ đồng. Khác với phí bảo trì đường bộ, dù "áp" chỉ tiêu song khó mà thu đủ, thì phí trông giữ xe tại Hà Nội hiện nay lại liên tục có hiện tượng "nhảy" giá. Dù thành phố đã quy định cụ thể phí trông giữ ô-tô, xe máy, xe đạp theo buổi (ban ngày, ban đêm) và còn áp dụng ở các địa bàn khác nhau với mức giá khác nhau, nhưng người dân vẫn thường xuyên phải nộp cao hơn giá quy định, nhất là các dịp lễ, Tết. Để cải tiến khoản thu này, có ý kiến đề xuất ở những nơi người dân dùng diện tích cá nhân để trông giữ xe như ở khu tập thể, nên để giá thỏa thuận và nên chuyển từ phí sang giá. Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đề xuất bãi bỏ một số khoản lệ phí để cải cách thủ tục hành chính như hai loại phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép thành một khoản thu; lệ phí trước bạ với ô-tô, xe máy...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Phạm Quý Tiên phân tích, khái niệm về phí, lệ phí hiện chưa rõ ràng, do vậy đến nay nhiều loại mang tính chất giá dịch vụ lại đưa vào phí. Việc này liên quan đến phạm vi ngân sách như phí vệ sinh môi trường, chợ, đò, thừa phát lại, học phí, viện phí. Với các khoản thu bản chất là dịch vụ tiến tới thu đủ chi phí, nên chuyển sang giá dịch vụ có sự quản lý của nhà nước. Thí dụ phí vệ sinh ở khu vực nông thôn chỉ hai nghìn đồng/người hiện nay hoàn toàn không đủ chi phí để thực hiện công tác vệ sinh môi trường cho nên ngân sách phải "gánh". Vì vậy, trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí tới đây cần làm rõ khái niệm phí, lệ phí để loại ra những nội dung mang tính chất giá dịch vụ, bảo đảm hạch toán thu chi và phải gắn với Luật Ngân sách Nhà nước.
Phí và lệ phí là một nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên việc thu như thế nào cho hiệu quả, tách bạch rõ phí, lệ phí với giá dịch vụ, tránh những rắc rối phiền hà cho người dân là hết sức cần thiết, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân, hạn chế thấp nhất những trường hợp thu sai quy định, thu không đúng thẩm quyền.