Đầu tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Việt - Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận tự thân đầu tiên cho người bệnh Đặng Thị Nam, 45 tuổi ở huyện Vĩnh Bảo. Việc này đã khẳng định trình độ kỹ thuật, chuyên môn sâu của đội ngũ cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Việt - Tiệp, có khả năng điều trị cho người bệnh suy thận và tiến hành các ca phẫu thuật tiếp theo, kể cả ghép thận cho - nhận.
Được sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế và TP Hải Phòng, trong thời gian qua Bệnh viện Việt - Tiệp đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng khám, chữa bệnh với mục tiêu đưa Y tế Hải Phòng trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực, có khả năng điều trị những ca bệnh khó nhằm giúp các bệnh nhân được cứu chữa kịp thời và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.
Bác sĩ Phạm Minh Ánh, trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực của bệnh viện cho biết: “Phẫu thuật tim hở là một kỹ thuật chuyên khoa rất phức tạp, đòi hỏi có sự chuẩn bị rất lâu, về đào tạo nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị”. Từ khi một nhóm bác sĩ được cử đi học tập đào tạo, nghiên cứu về kỹ thuật phẫu thuật tim hở, bệnh viện đã nung nấu ý tưởng thực hiện kỹ thuật này. Đề tài khoa học về phẫu thuật tim hở ở Hải Phòng đã được những cán bộ, bác sĩ đầy tâm huyết của bệnh viện bảo vệ thành công trước TP, Bộ Y tế và Chính phủ, được đồng ý cho phép triển khai.
Cuối năm 2002, Bộ Y tế đã duyệt kinh phí đầu tư một tỷ đồng, thêm vào đó TP quyết định cấp thêm một tỷ đồng cho dự án mua máy tim phổi nhân tạo. Do có sự trục trặc, mãi đến đầu năm nay, dự án mới được đấu thầu. Cuối tháng 8, chiếc máy quý giá này đã về đến bệnh viện, hoàn chỉnh lắp đặt và chạy thử.
Khoảng 20 bác sĩ của bệnh viện đã được gửi đi đào tạo tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong vòng một năm. Hiện nay sáu bác sĩ vẫn tiếp tục được đào tạo tại Bệnh viện Việt - Đức.
Thống kê của Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn TP Hải Phòng có hàng nghìn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải; trong đó 375 trẻ em cần can thiệp bằng phẫu thuật ngay nhằm kéo dài sự sống. Qua khám và phân loại của Bệnh viện Việt - Tiệp, 105 em được đưa vào danh sách phẫu thuật từ tháng 10 trở đi, 5 trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật miễn phí đợt này. |
Đến nay, bệnh viện xây dựng mười kíp kỹ thuật, sẵn sàng cho ca phẫu thuật đầu tiên. Gần như toàn bộ lực lượng các khoa, phòng như hồi sức, gây mê, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh… của bệnh viện đều được huy động vào cuộc, gấp rút các bước chuẩn bị triển khai mổ tim hở. Một số máy móc, thiết bị khác như máy siêu âm, máy thở, máy gây mê đã được ngành y tế quyết định điều chuyển từ các bệnh viện khác sang, phục vụ ca phẫu thuật. Bệnh viện còn mời các chuyên gia đầu ngành tim mạch ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, giúp đỡ về mặt chuyên môn, kỹ thuật.
Vì chi phí cho một ca phẫu thuật tim hở thường rất cao, ngành y tế đã đề nghị được đưa vào hoạt động từ thiện. Bác sĩ Nguyễn Văn Vy, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: “Chi phí cho năm ca mổ tim đầu tiên dự kiến khoảng 200 triệu đồng, trong đó tiêu hao y tế 85 triệu đồng. Vì vậy, ngành đã kêu gọi một số nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức nhằm quyên góp giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Đây cũng là một hoạt động mới của ngành y phía bắc”.
Thạc sĩ Ngô Phi Long, phó trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực thể hiện quyết tâm rất cao: “Đến nay, có thể khẳng định bệnh viện và các kíp kỹ thuật hoàn toàn đủ khả năng tiến hành phẫu thuật. Tuy đây là một kỹ thuật mới đối với bệnh viện, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận khó khăn, cố gắng thực hiện thành công”.
Nỗ lực và quyết tâm cao đã có, nhưng cũng phải thấy rõ một điều rằng, gần đến ngày tiến hành phẫu thuật nhưng bệnh viện vẫn thiếu rất nhiều trang thiết bị phụ trợ cho ca mổ. Máy tim phổi chỉ là máy chính, đi liền đó phải có máy gây mê, monitor, máy xốc tim, tạo nhịp…. thế nhưng các thiết bị này vẫn chưa có, rất khó khăn để hoàn chỉnh một ca mổ.
Một số máy móc được điều chuyển từ các bệnh viện khác là thể hiện sự cố gắng và quan tâm của ngành y tế thành phố, nhưng rõ ràng các trang thiết bị ngay trong thời điểm gấp rút này vẫn còn chắp vá, không đồng bộ. Không phải bệnh viện không lường trước được vấn đề này, đã có một dự án được lập, xin thành phố cấp bổ sung kinh phí cho hệ thống máy móc này, tất cả khoảng 800 triệu đồng, nhưng vẫn chưa được xem xét.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của bệnh viện còn quá yếu kém, phẫu thuật tim đòi hỏi phòng mổ diện tích lớn, vô trùng, có đủ thiết bị gắn trong tường đặc thù cho mổ tim, nhưng quả thật tiêu chuẩn này còn khá xa vời. Hiện nay, bệnh viện vẫn còn lúng túng chưa biết đặt phòng mổ ở đâu.
Phẫu thuật tim hở được tiến hành tại TP Hải Phòng là một việc làm cần thiết, mang những lợi ích vô cùng lớn lao cho người bệnh. Trong Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về phát triển TP Hải Phòng, có đề cập việc nâng cấp Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp trở thành trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc Bộ, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Thành công của ca ghép thận vừa qua và chuẩn bị phẫu thuật tim hở là một bước tiến mới khá dài của bệnh viện, nhưng bệnh viện còn cần sự góp tay, quan tâm của các cấp, các ngành chức năng bằng những việc làm cụ thể, kể cả từ hỗ trợ về trang thiết bị, đào tạo nhân lực cũng như kiện toàn bộ máy tổ chức.