Phẫu thuật nhân đạo cho các bé dị tật khe hở môi, vòm miệng

NDO - Từ ngày 17/4 đến 21/4, Bệnh viện E và Tổ chức Operation Smile phối hợp thực hiện chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật bẩm sinh khác tại Bệnh viện E.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Tấn Văn khám cho bệnh nhi.
Tiến sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Tấn Văn khám cho bệnh nhi.

Tiến sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Tấn Văn, Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E, kiêm Chủ nhiệm bộ môn bệnh lý miệng và hàm mặt, Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Các cháu bé tham gia chương trình lần này đến từ một số tỉnh thành như Cao Bằng, Yên Bái…

Đã có 35 cháu bé đến đăng ký khám sàng lọc với nhiều dị tật bẩm sinh khác nhau, trong đó, trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng chiếm 2/3. Còn lại là các trường hợp bị dị tật bẩm sinh như dị tật ngón (chi trên, chi dưới, khớp giả…), dị tật bẩm sinh về mắt (mắt nhắm không kín do liệt cơ nâng mi trên), dị tật bẩm sinh về mạch ở ngực…

Tại buổi khám hôm nay, các bác sĩ Bệnh viện E đã gặp một ca bệnh vô cùng hiếm. Đó là trường hợp bé L.K.Đ (14 tháng tuổi, ở xã Nà Doa, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) được chẩn đoán khe hở sọ mặt hiếm Tessier số 30 (Khe hở môi dưới, khe hở toàn bộ xương hàm dưới và sàn miệng).

Anh Lý A Hùa, bố bé L.K.Đ là người dân tộc Mông nói tiếng Kinh còn chưa tròn vành rõ chữ, chia sẻ, bé là con thứ 3, khoảng tháng thứ 2 của thai kỳ thì vợ bị cúm. Đến khi sinh ra, con bị dị tật, gia đình cũng không đủ tiền để đưa con đi phẫu thuật.

Phẫu thuật nhân đạo cho các bé dị tật khe hở môi, vòm miệng ảnh 1

Sau buổi khám hôm nay, các bác sĩ lựa chọn được 33 trẻ đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật miễn phí lần này.

Cách đây 1 tháng, cán bộ xã Nà Doa có thông báo về chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân dị tật khe hở môi, vòm miệng Tổ chức Operation Smile, niềm hy vọng của vợ chồng anh Hùa được thắp lên với bao hy vọng.

Ngay sau khi tiếp nhận cháu L.K.Đ, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa: Răng Hàm Mặt, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Gây mê hồi sức… để tìm ra phương án điều trị tối ưu cho bé.

Trẻ được thăm khám đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa trên, chụp X-quang, CT sọ mặt, dựng hình 3D đánh giá tình trạng khe hở mặt, cấu trúc của xương. Sau khi thăm khám, đánh giá mức độ thương tổn trên lâm sàng, bác sĩ Văn nhận định bé bị dị tật khe hở sọ mặt của bệnh nhi phức tạp và nguy hiểm.

Đây là lần thứ ba, Bệnh viện E tiếp tục hành trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác.

Theo bác sĩ Văn, trong suốt hơn 20 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông gặp được trường hợp mắc bệnh hiếm này. Tổ chức Operation Smile là tổ chức chuyên thực hiện các dị tật về khe hở môi, vòm miệng ở Việt Nam cũng gặp lần đầu tiên.

"Để thực hiện ca phẫu thuật này, các bác sĩ phải chia làm nhiều lần: tạo hình sàn miệng, môi dưới, xương hàm dưới. Tuy nhiên, đây là ca phẫu thuật khó, phẫu thuật viên khi tiến hành không chỉ tính đến yếu tố thẩm mỹ, vá vết hở vòm miệng, hàm, lưỡi thông thường mà cần bao quát và dự tính được sự phát triển của các bộ phận phẫu thuật như cử động của lưỡi để không làm ảnh hưởng đến phát âm của trẻ.

Việc kết hợp xương hàm phải quan tâm đến sự phát triển của khuôn mặt trẻ sau này… nhằm trả lại khuôn mặt và nụ cười trọn vẹn nhất cho trẻ", bác sĩ Văn cho hay.

Sau buổi khám hôm nay, các bác sĩ lựa chọn được 33 trẻ đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật miễn phí lần này.